Tần Thủy Hoàng là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Trung Hoa. Ông là vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa sau khi tiêu diệt các nước chư hầu, là người mở ra một loạt các cải cách lớn về kinh tế và trị lý, nhưng cũng bị coi là kẻ bạo chúa đốt sách chôn Nho. Tuy nhiên, trong quá trình lật lại các tư liệu lịch sử, một số học giả đã bày tỏ những nghi vấn và luận điểm liên quan đến câu nói “đốt sách chôn Nho” này, chẳng hạn như trong cuốn “Sự trỗi dậy và suy tàn của nhà Tần” (Rise and Fall of the Qin Dynasty – 2000).

Không phải là “chôn Nho”

Thời Xuân Thu chiến quốc, bách gia tranh minh. Trong bách gia chư tử thì bên cạnh các trường phái nghiêm túc xem xét về tư tưởng, triết lý, tín ngưỡng chân chính ra, còn có một số trường phái không chính thống, hoặc sử dụng tiểu thuật để mê hoặc lòng người, điển hình là “Thần tiên gia”.

Trong “Sử ký” có ghi chép về những thuật sỹ nước Yến như Tống Vô Kỵ, Chính Bá Kiều, Sung Thượng, Tiện Môn Cao “làm ra Phương Tiên Đạo [tìm thuốc trường sinh], hình giải tiêu hóa [phép thi giải], dựa vào những việc quỷ thần”.

Mặc dù mang danh là cầu Đạo, nhưng những người này khác xa so với các bậc Thánh hiền như Khổng Tử hay Giác giả như Phật Thích Ca hay Lão Tử. Dựa theo các tư liệu lịch sử thì những thuật sỹ này phần nhiều không phải là vì muốn tạo phúc cho dân chúng hay chỉ ra ý nghĩa của sinh mệnh, mà chủ yếu là lợi dụng những điều thần bí liên quan đến tâm linh để gạt người. Có thể coi họ là những người lấy danh nghĩa quỷ thần để mê ngôn hoặc chúng.

Nói về Tần Thủy Hoàng, ông lúc đầu không chỉ tự mình tìm hiểu tu hành, dưỡng sinh, mà đối với phương thuật và kẻ sỹ phương thuật cũng mười phần tôn trọng. Tần Thủy Hoàng thường cùng họ thảo luận về Thần tiên, Chân nhân, các đạo lý về tu luyện trường sinh.

Đốt sách chôn Nho: Nỗi oan nghìn năm của Tần Thủy Hoàng
Con thuyền được Tần Thủy Hoàng phái đi tìm kiếm tiên đan (Tranh: Họa sĩ Utagawa Kuniyoshi, Wikipedia, Public Domain)

Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đến Sơn Đông tế bái Trời đất. Lúc đó có một người nước Tề gọi là Từ Thị, dâng sách lên Tần Thủy Hoàng, nói rằng Bột Hải có ba ngọn núi thánh, trên núi có thần tiên, có tiên đan trường sinh bất lão. Thế là Tần Thủy Hoàng phái Từ Thị dẫn theo mấy nghìn người ra biển tìm Thần tiên. Bốn năm sau, Tần Thủy Hoàng đến núi Kiệt Thạch ở Xương Lê Hà Bắc, lại để cho những người nước Yến như Lư Sinh, Hàn Chúng, Hầu Công đi tìm Thần tiên.

Nhưng những kẻ thuật sỹ vốn không phải là bậc đắc Đạo, họ chỉ là những kẻ cơ hội mong muốn nhân danh luyện đan mà vơ vét tiền tài, thì làm sao có thể tìm được Thần tiên hay luyện được tiên đan? Vậy nên họ bèn nghĩ ra một cách: Đánh lừa Tần Thủy Hoàng.

Người nước Yến tên là Lư Sinh kia quay về đầu tiên, viết cho Tần Thủy Hoàng một phong thư nói rằng:

Thưa Hoàng thượng, mấy người chúng tôi đã tìm được thần tiên và thuốc trường sinh bất lão rồi, nhưng mà có ‘ác quỷ’ ở đó, cho nên chúng tôi không cách nào lấy được, phải trở về tay không. Thưa hoàng thượng, ‘ác quỷ’ này có chút lợi hại, e rằng có thể làm hại đến ngài. Từ hôm nay trở đi, ngài phải kín đáo hành tung một chút, đừng để cho ác quỷ tìm được ngài, không có ác quỷ làm loạn, như vậy tương lai những thần tiên kia sẽ tìm đến ngài.

Kể từ đó, hành tung của Tần Thủy Hoàng được bảo mật nghiêm cẩn, thường không để lộ cho người ngoài. Sử sách chép rằng, thừa tướng Lý Tư xuất hành, huy động nhiều người, khiến Tần Thủy Hoàng nhìn thấy không vừa ý. Sau này có người nói với Lý Tư, khiến ông ta giảm thiểu quân ngũ và quy mô xuất hành. Tần Thủy Hoàng thấy sự thay đổi của Lý Tư, đoán ra có người mật báo với ông ta. Không chấp nhận bên mình có người của kẻ khác, Tần Thủy Hoàng bèn đem những tùy tùng biết chuyện giết hết.

Sự việc này khiến đám Hầu Sinh, Lư Sinh rất bất an, vì chiểu theo luật pháp nhà Tần, phương sỹ mà dâng phương thuật, nếu hai lần không linh nghiệm sẽ bị chặt đầu. Khi cảm thấy thuật lừa đảo sắp bại lộ, họ còn bôi nhọ và dựng chuyện về Tần Thủy Hoàng trước khi chạy trốn. Trong “Sử ký” có ghi chép rằng: Hầu Sinh, Lư Sinh phi nghĩa với Thủy Hoàng, đồn đại rằng “Tần Thủy Hoàng vốn là người chỉ chăm dùng hình ngục, quan coi ngục luôn được tin dùng. Dẫu có bảy mươi quan viên cấp bậc Tiến sĩ mà chỉ để đấy không dùng”.

Lư Sinh chạy trốn rồi, Tần Thủy Hoàng nổi giận đùng đùng, hạ lệnh truy nã Lư Sinh. Về sau không tìm được Lư Sinh, lại nhận ra mình đã bị đám phương sỹ lừa gạt, Tần Thủy Hoàng liền bắt đầu xử lý mạnh tay đám thuật sỹ. Trong “Sử ký, Tần Thủy Hoàng bản kỷ” chép rằng:

Tần Thủy Hoàng biết chuyện đại nộ: “Ta tôn quý ban tặng bọn Lư Sinh rất nhiều, nay lại chê bai ta để làm lỗi ta thêm nặng. Những kẻ học đạo ở thành Hàm Dương kia, ta đã sai người đến xét hỏi, có kẻ nói lời dối trá để lừa gạt dân đen”. Do đó sai quan Ngự sử xét hỏi hết các kẻ sỹ học đạo, các kẻ sỹ học đạo lại tố cáo lẫn nhau, bèn tự bắt hơn bốn trăm kẻ phạm cấm rồi chôn ở thành Hàm Dương, cho thiên hạ biết việc ấy để răn người đời sau.

Những kẻ thuật sỹ lừa gạt bị chôn, vào thời kỳ Tiên Tần được gọi là “Tư” (胥), chữ “Tư” và chữ “Nho” (儒) lúc bấy giờ là đồng âm (ngày nay không đồng âm nữa), hai từ này lại thường bị dùng lẫn lộn, cho nên những thuật sỹ bị chôn sống này lại được hiểu nhầm là “Nho sinh”. Việc Tần Thủy Hoàng “đốt sách chôn Nho” bắt nguồn là như vậy.

Thời đó thật sự có một số Nho sinh phản đối chính sách của Tần Thủy Hoàng, nhưng ông chỉ cấm họ ngôn luận trong triều, chứ không dùng đến hành động. Nói về người vào triều thời đó, Thừa tướng Lý Tư có bàn về họ là: “Nhập tắc tâm phi, xuất tắc hạng nghị”, vào chầu thì trong lòng cho là sai, ra ngoài thì bàn luận. Dù vậy, trừ những kẻ sau này bị quan Ngự sử phát hiện là phạm tội lừa gạt dân đen, hòng đòi hỏi quyền lực hay khôi phục các nước cũ, thì số còn lại không hề nằm trong những kẻ bị chôn sống.

Tần Thủy Hoàng “đốt sách” gì?

Trong khoảng 8 năm từ 221 TCN tới 213 TCN, tức là năm mà Tần Thủy Hoàng thực thi cái gọi là “đốt sách”, ông đã cho sưu tập một lượng lớn văn hiến cổ điển từ trong cung 6 nước và trong dân gian. Đồng thời tuyển chọn hơn 70 vị học giả, ban cho làm quan Tiến sĩ. Triệu tập hơn 2.000 học sinh, từ quan Tiến sĩ trở xuống, cho làm Nho sinh. Đối với việc thanh lý và phân biệt văn hóa cổ điển, thì bỏ nguỵ giữ chân, bảo vệ văn hóa chính thống.

Tần Thủy Hoàng nói: “Ta lúc trước thu lấy sách không được dùng trong thiên hạ mà bỏ hết đi. Gọi những kẻ sỹ học văn học nghề phương thuật đến rất nhiều, muốn để bày cách làm thiên hạ thái bình…” (Sử ký, Tần Thủy Hoàng bản ký)

Năm Tần Thủy Hoàng thứ 14 (năm 213 TCN), trong một lần yến hội ở cung Hàm Dương, quan Tiến sĩ Thuần Vu Việt đề xuất việc phế quận huyện, lập lại việc phân đất phong hầu, cho rằng: “Làm việc không noi theo người xưa mà lâu dài được là điều thần chưa được nghe nói”. Lời nghị luận này kỳ thực là muốn để Tần Thủy Hoàng khôi phục lại cái xưa của Lục quốc, mượn xưa để chê nay, chê bai triều đình mới của Tần Thủy Hoàng.

Tần Thủy Hoàng thời đó phải đối mặt với việc gì? Ông dùng vũ lực để chinh phục sáu nước, nhưng chưa hề đuổi cùng giết tận. Tức là trong quá trình này không diễn ra sự thảm sát triều đình các nước. Điều này có thể chứng minh bằng sử sách ghi lại diễn biến quá trình Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa. Cuối cùng, ông chỉ bắt vương tộc sáu nước mà ông đã chiếm, kể cả gia đình các đại thần của họ, phải dời đến Hàm Dương, kinh đô của Tần, để cho ông dễ kiểm soát họ.

Nhưng việc đó cũng nảy sinh một vấn đề: sáu nước này có nền tảng “thâm căn cố đế”. Trước đó nhà Chu dù chinh phạt xong, vẫn sử dụng chế độ phân phong chư hầu, chư hầu vương tự quản nước mình, chỉ tới kinh đô nhà Chu họp mặt định kỳ, tức là đặt Trung Nguyên trên nền tảng chia cắt. Bởi vì quá khứ là vậy nên có nhiều người trong sáu nước mưu đồ khôi phục lại thế lực trước kia. Họ lợi dụng những rối loạn về tư tưởng, văn hóa để chê bai chính quyền mới, hòng khôi phục quyền lực. Khái niệm về một Trung Hoa thống nhất bấy giờ bị nhiều chỉ trích. Như vậy đứng ở quan điểm của Tần Thủy Hoàng mà nói, ông nhất định phải thống nhất quy phạm văn hóa của dân chúng sáu nước. Thừa tướng Lý Tư cũng hiểu được điều này rất rõ.

Đốt sách chôn Nho: Nỗi oan nghìn năm của Tần Thủy Hoàng
Tranh vẽ cảnh “đốt sách chôn Nho” do người đời sau “tưởng tượng” ra, phía trên cảnh “đốt sách chôn Nho” là cảnh Thừa tướng Lý Tư dâng thư lên Tần Thủy Hoàng. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Chính vì vậy, khi Tần Thủy Hoàng lệnh cho quần thần nghị luận, thì Thừa tướng Lý Tư dâng thư lên Hoàng đế rằng:

“Thời xưa thiên hạ rối loạn, chẳng hợp một được, do đó chư hầu cùng nổi lên, đều nói chuyện xưa để làm gạt bỏ việc nay, trau chuốt lời nói suông để gây loạn việc thật, người ta giỏi lấy cái điều mà riêng mình học để chê bai cái việc mà nhà vua làm nên. Nay hoàng đế có cả thiên hạ, chia trắng đen mà sắp đặt từ một vua. Những kẻ học riêng kia cùng nhau chê bai pháp lệnh, người ta khi nghe pháp lệnh ban ra thì đều dựa vào cái học của mình mà bàn luận, vào chầu thì trong lòng cho là sai, ra ngoài thì bàn luận ở ngõ hẻm, khoe khoang với vua để tự kiếm danh, làm lấy việc lạ để tự cho là cao đẹp, hòa theo mọi người để nói lời chê trách. Như thế không cấm thì oai thế của nhà vua sẽ giảm ở trên, kết thành phe đảng ở dưới. Nên cấm là hơn. Thần xin quan chép sử nếu sách sử không phải ghi chép về nhà Tần thì đều đốt đi. Nếu không phải là sách mà quan Tiến sĩ nắm giữ thì thiên hạ ai có sách Thi-Thư cất giấu, sách của các nhà đều đem đến chỗ quan Thú, Úy đốt hết đi. Nếu dám họp nhóm nói về kinh Thi-Thư thì bắt chém vứt thây ở chợ. Lấy việc xưa chê việc nay thì giết cả họ. Quan lại thấy biết mà không báo lên thì coi như cùng tội. Hạ lệnh ba mươi ngày mà không đốt sách ấy thì bị tội khắc chữ lên mặt đày đi đắp thành. Những sách không bỏ là sách chữa bệnh, xem bói, trồng cây. Nếu có muốn học pháp lệnh thì lấy quan lại dạy cho.”

Sử ký, Tần Thủy Hoàng bản ký

Tần Thủy Hoàng đã chấp nhận kiến nghị này.

Trong thư của Lý Tư, chúng ta cần để ý đến đoạn: sách của triều đình là không thấy nói đến; sách sử nhà Tần thì không hủy; sách của Tiến sĩ nắm giữ là không hủy; sách chữa bệnh, xem bói, trồng cây là không hủy. Bấy giờ thư tịch của nước Tần sau một thời gian 8 năm sưu tầm và lưu trữ, có thể nói là gồm thâu những sách quý của thiên hạ. 70 vị quan Tiến sĩ có thể nói là sưu tầm đủ các loại sách trong tay rồi.

Chu Hy thời Tống cũng nói rằng Tần Thủy Hoàng đốt sách chỉ là dạy cho thiên hạ đốt sách, còn trong triều đình ông ta vẫn lưu lại, và rằng “cả 6 kinh (Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch, Xuân Thu) ông ta đều lưu lại cho mình, chỉ thiên hạ thì không ai có”. Như vậy thực ra là nếu muốn tìm tòi, nghiên cứu thì trong tay triều đình cho đến Tiến sĩ cũng đều có lưu lại bản sao hoàn chỉnh.

Vậy sách bị đốt là những gì? Sách bị đốt bao gồm mấy bộ phận: sử ký của các nước trước khi thống nhất; Thi – Thư cất giấu trong dân gian; và lời của bách gia. Những sách bị đốt là những sách có thể bị kẻ phản đối nhà Tần lợi dụng để làm loạn. Vì điều này mà nhà Tần còn chế định ra luật rằng: lấy ngụ ngôn trong Thi, Thư, bêu đầu ở chợ; lấy xưa mà chê nay, giết cả họ; thấy biết mà không báo lên thì coi như cùng tội; lệnh trong ba mươi ngày mà không đem đốt, sẽ xăm mặt và bắt làm phu xây dựng trường thành; v.v.

Nhiều năm sau, Hán Cao Tổ thống nhất thiên hạ, Hoàng đế nhà Hán bắt đầu “phế truất bách gia, độc tôn Nho học”. Nho giáo cực thịnh và trở thành tiêu chuẩn của xã hội. Khi ấy, vì chuyện trích Thi, Thư bị bêu đầu và chuyện “chôn Nho” đã đề cập đến ở trên mà Nho sinh đời sau xem Tần Thủy Hoàng là bạo chúa.

Vậy là sự “bạo chính” của Tần Thủy Hoàng thực chất là phản ứng của ông trước khó khăn lớn: ổn định nhà Tần; thống nhất kinh tế, văn hóa, chính trị của 6 nước chư hầu bị thôn tính; dẹp bỏ những kẻ muốn khôi phục quyền lực trong 6 nước. Trước khi những việc này xảy ra, Tần Thủy Hoàng đối xử có thể nói là rất khoan dung với đám phương sỹ và cũng không đuổi tận giết tuyệt hoàng gia 6 nước chư hầu.

Trên đây là các luận điểm cho thấy Tần Thủy Hoàng không hề “đốt sách chôn Nho” như người ta vẫn tưởng.

Cao Sơn

Xem thêm:

Mời xem video: