Vui vẻ và hạnh phúc là điều mà mỗi người đều mong muốn có được trong cuộc đời. Có một số người cho rằng, tiền tài càng nhiều và địa vị càng cao thì niềm vui và niềm hạnh phúc càng lớn. Nhưng kỳ thực, chúng không có quan hệ gì với nhau. Kẻ lang thang mặc dù không có đồng tiền nào trong túi nhưng vẫn có thể vô cùng vui vẻ, mà người giàu có tiền tỷ, người có chức vị cao, có quyền, có thế, lại không nhất định cảm thấy bản thân hạnh phúc.

Cuộc sống đơn giản là cuộc sống hạnh phúc
(Ảnh minh họa: Saga Photo and Video, Shutterstock)

Người xưa có quan niệm về hạnh phúc thật giản đơn. Chữ “Phúc” (福), gồm bộ “Kỳ” (⺭) chỉ thần linh, chữ “Nhất”, bộ “Khẩu” (口) và bộ “Điền” (田). Phúc khí của mỗi người là do Thần linh ban cho, mà thời xưa một người có cơm ăn áo mặc, có ruộng đất trồng trọt, đã được xem là người có phúc rồi.

Dẫu rằng, trong xã hội ngày này, không nhất thiết ai nấy đều phải cấy cày, trồng trọt, nhưng kỳ thực đạo lý vẫn tương thông với nhau.

Con người ta thường hay coi hạnh phúc là đạt được thứ gì đó về vật chất. Nhưng người càng có nhiều vật chất thì khả năng đạt được sự hài lòng lại càng khó hơn.

Người nghèo vui với xe đạp mới, nhưng người giàu lại cần nhà lầu xe hơi mới đẹp lòng. Cảm thụ của con người là như nhau, chỉ có mức độ vật chất là khác biệt. Bởi vậy người càng truy cầu vật chất thì càng khó có được niềm vui.

Hạnh phúc rất đơn giản, đó là chớ quá truy cầu về vật chất. Có một căn nhà để trú ngụ lúc nắng khi mưa, có cơm ăn ấm bụng, có một công việc để làm, có thân bằng cố hữu chân tình, lẽ nào người như vậy không phải là người có phúc hay sao?

Có người cảm thấy mình thật bất hạnh, không được giỏi giang, giàu sang, xinh đẹp bằng ai kia. Hay vợ mình không hiền thục, nết na như vợ người. Chồng mình không thành đạt như chồng người. Con mình không thông minh, lanh lợi như con người…

Dường như mọi điều tốt đẹp đều chạy đến bên người khác, hạnh phúc đều bị người khác chiếm mất, nhìn lại bản thân chỉ có hai bàn tay trắng. Vậy nên người ấy trong tâm sinh lòng bất mãn, cho rằng phúc phận của mình quá đỗi mong manh. Tâm lý so sánh này thường chỉ mang đến sự dằn vặt trong tâm và những nỗi khổ đau, sầu muộn.

Chúng ta vẫn thường đưa mắt thầm so sánh mình với những người tốt hơn. Nếu không thể có được những thành quả như ai đó, trong tâm lại héo mòn vì so bì, hay bị thiêu đốt bởi lòng đố kỵ.

Kỳ thực bạn ngưỡng mộ đôi giày của người khác, thì lại có người đang âm thầm ngưỡng mộ đôi chân lành lặn của bạn. So sánh mình với người khác chỉ khiến bản thân sa lầy vào sự tăm tối, chẳng mang lại bất kỳ niềm vui nào.

Trên đời có rất nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng. Mỗi ngày họ đều phải gắng gượng hết sức, cũng chỉ đủ lo kế sinh nhai. Khi nghĩ tới những người này, có lẽ chúng ta nên tự hỏi: Lẽ nào phú quý đáng giá hơn sinh mệnh? Lẽ nào một cuộc sống giản đơn, gia đình đủ đầy, tràn ngập tiếng cười, lại vẫn còn thiếu thứ gì để chúng ta ham muốn có được?

Vậy nên muốn hạnh phúc, trước tiên phải biết đủ. Chỉ những người biết đủ, ít tham dục, mới đắc được phúc báo.

Kỳ thực, mọi nỗi bất hạnh trên đời đều do bản thân tự mình tạo nên. Là thiên đường hay địa ngục chỉ cách nhau trong một niệm. Cứ mở rộng trái tim, thay đổi góc nhìn, hạnh phúc sẽ tự nối gót theo nhau tìm đến.

Khi sức dung chứa của trái tim đủ lớn, mọi chuyện sẽ trở nên bình lặng. Mỗi ngày đều ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc, luôn đối diện với mọi người, mọi việc bằng khuôn mặt rạng rỡ, tâm thái vui vẻ, thì sức khoẻ đong đầy, vạn sự ắt hanh thông. Đây chính là người “có phúc” vậy.

Thường ngày, hãy ngẫm nghĩ nhiều hơn về tâm thái của mình, từng lời nói cử chỉ, phải chăng đều đã phù hợp với phúc? Tâm là cội nguồn của phúc, có thể khiến hạnh phúc mãi trường tồn trong khoảng khắc hiện tại. Người có tâm hồn giàu có sẽ không bị ngoại vật quấy nhiễu. Tâm lượng rộng mở, tĩnh tại thì mỗi ngày trong đời đều sẽ là một ngày vui.

Chớ vấn vương bận lòng, chớ so đo tính toán, cứ để vạn sự tuỳ duyên. Bình hòa như bậc lão niên, thuần chân như trẻ nhỏ, tâm trong vắt như dòng nước chảy, nhẹ bẫng tựa mây trắng bay. Người như vậy, phúc khí ắt luôn dồi dào không dứt.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Wendy
Thiên Cầm biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: “Lùi một bước” là một loại cảnh giới cao thượng