Tại hành lang phía tây Hà Tây thuộc tỉnh Cam Túc, men theo con đường tơ lụa 25km về hướng Đông Nam thành phố Đôn Hoàng. Xoay về chân núi phía Đông, nhìn từ xa sẽ thấy rất nhiều hang động trên vách núi dài 1.600m ở hướng Nam Bắc. Đó chính là quần thể hang Mạc Cao.

Hang Mạc Cao, tục gọi là Thiên Phật Động, tọa lạc ở Đôn Hoàng, được xây dựng vào thời kỳ 16 nước trước thời nhà Tần. Trải qua giai đoạn Thập lục quốc, Bắc Triều, Tùy, Đường, Ngũ Đại, Tây Hạ, Nguyên…, nơi đây hình thành nên quy mô vĩ đại với 735 hang động, 45.000m2 bích họa, 2.415 pho tượng đất sét. Đây là vùng đất nghệ thuật Phật giáo có quy mô lớn nhất và nội dung phong phú nhất Trung Hoa còn tồn tại đến ngày hôm nay.

Bảo tàng Louvre của Trung Quốc

Có rất nhiều người gọi hang Mạc Cao là bảo tàng Louvre của Trung Quốc, thật ra nơi đây có lịch sử lâu đời hơn bảo tàng Louvre rất nhiều với hơn 1600 năm, xây dựng vào năm 366. Tương truyền khi đi qua nơi đây, một vị hòa thượng nhìn thấy ánh vàng sáng lóa, thấy được cảnh tượng của Chư Phật, thế là ông bèn đào hang động đầu tiên trên vách đá. Sau đó trải qua các triều đại Bắc Ngụy, Tùy, Đường, Bắc Tống, Tây Hạ, người ta không ngừng mở rộng xây dựng. Hang Mạc Cao sau thời kỳ Ngũ Đại dần dần bị bỏ hoang.

Hưng suy của miền đất nghệ thuật Phật giáo lớn nhất Trung Hoa
Bên ngoài hang Mạc Cao. (Ảnh: Zhangzhugang, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Hang Mạc Cao là hang động lớn ẩn chứa sự kết hợp giữa hội họa, điêu khắc và kiến trúc nghệ thuật mà chủ yếu là bích họa và tượng. Bích họa trong hang Mạc Cao được bố trí theo bốn phía tường, đỉnh hang và am thờ Phật với nội dung vô cùng thâm sâu, chủ yếu có các chủ đề như tượng Phật, những câu chuyện, sự tích Phật Giáo, kinh Phật, người thờ cúng, v.v.. Ngoài ra còn có rất nhiều bức tranh cho thấy nhiều mặt của đời sống xã hội đương thời như săn bắt, trồng trọt, may vá, giao thông, chiến tranh, xây dựng, nhảy múa, ma chay cưới hỏi, v.v..

Hưng suy của miền đất nghệ thuật Phật giáo lớn nhất Trung Hoa
(Ảnh: Marcin Szymczak, Shutterstock)

Những bức tranh này hùng vĩ rộng lớn, nguy nga tráng lệ, thể hiện phong cách và đặc sắc nghệ thuật của những thời kỳ khác nhau. Nếu cẩn thận ngắm nhìn những bức bích họa này sẽ cảm thấy như đi vào đường hầm không gian và thời gian, tập tục sinh hoạt và sáng tạo nghệ thuật của mỗi triều đại hiện ra trước mắt. Cùng sự đổi thay triều đại, những bức tranh khác nhau đều ghi lại minh chứng lịch sử tại nơi đây.

Hang Mac Cao nghe thuat Phat giao 04
Bích họa bên trong hang. (Tranh: Tiexue.net, Public Domain)

Có ba dạng họa sỹ cổ đại đã tạo nên bích họa trong hang Mạc Cao: Một là nhà sư có địa vị nhất định, nhưng không nhiều. Thứ hai là họa tăng với số lượng nhiều hơn, họ vừa là nhà sư, vừa là họa sỹ. Cuối cùng là hoạ sỹ đơn thuần, họ đi khắp nơi không biết điểm dừng, họ sáng tác trong hang động và sống ở đây, khi vẽ xong thì lại không thấy họ đâu nữa.

Hưng suy của miền đất nghệ thuật Phật giáo lớn nhất Trung Hoa
Hang Mạc Cao được gọi là Bảo tàng Louvre của Trung Quốc. (Tranh: Tiexue.net, Public Domain)

Một công trình hội họa to lớn như hang Mạc Cao nhất định đã khiến rất nhiều họa sỹ dùng hết sức lực cả đời của mình. Họ đi vào hang động như tổ ong này, e là sẽ chẳng bao giờ có thể bước ra khỏi hang Mạc Cao nữa. Chính những nhân vật vô danh ưu tú và vĩ đại này đã để lại cho đời sau những hình ảnh thuộc nền văn minh trên con đường tơ lụa huy hoàng của nhân loại.

Công nghệ bích họa trong hang Mạc Cao từ lâu đã bị thất truyền, đến nay cũng không có ai có thể vẽ nên những bức họa tuyệt đẹp của triều đại nhà Đường nữa. Sự nối tiếp giữa thời nhà Đường và nhà Tống có sự thay đổi rõ rệt trong phong cách hội họa, có thể nói là càng về sau càng thiếu ổn định.

Người làm nên hang Mạc Cao

Đa phần người vào hang Mạc Cao đều bắt đầu từ mơ hồ. Dù sao cũng đã qua hơn một nghìn năm, câu hỏi lớn nhất luôn là: Rốt cuộc hang Mạc Cao được ai xây dựng? Và vì mục đích gì?

Hưng suy của miền đất nghệ thuật Phật giáo lớn nhất Trung Hoa
Tranh vẽ những người thờ cúng. (Tranh: Tiexue.net, Public Domain)

Nếu quan sát cẩn thận từng hang đá sẽ phát hiện thấy kết cấu của chúng đa phần là không giống nhau, phía trước là hàng lang, sau là hang động, trên tường ở hai phía của mỗi hành lang đều có tranh vẽ người, họ là những người thờ cúng – người bỏ tiền hoặc công sức ra để đào hang động. Từ đó có thể thấy rằng thật ra hang Mạc Cao không phải là sản phẩm của cá nhân hay trường phái nhất định, mà là di sản văn hóa được tích lũy từ quan thuộc các triều đại.

Bức tranh lịch sử xuyên thời gian và không gian

Hang Mạc Cao từ khi được khai phá vào năm 366 cho đến đời nhà Nguyên mới dừng lại. Những bức bích họa mà ngày nay chúng ta nhìn thấy thật ra là một quyển biên niên sử nghệ thuật, những phong cách vẽ, tạo hình, văn hóa khác nhau cùng hội tụ.

Không hề quá khi nói rằng: Đây là sân khấu nơi mà các nghệ nhân cách nhau hàng nghìn năm lại có thể cùng tranh minh. Chỉ ở hang Mạc Cao mới có được những việc thần kỳ như thế này mà thôi.

Những truyền thuyết quen thuộc

Trong hang Mạc Cao người ta có thể tìm thấy rất nhiều hình mẫu thật của các nhân vật trong truyền thuyết như Hằng Nga thướt tha bay lên cung trăng, Thần hươu cửu sắc tạo phúc cho chúng sinh, hay Tôn Ngộ Không đi cùng Đường Tăng lên Tây Thiên thỉnh kinh.

Hưng suy của miền đất nghệ thuật Phật giáo lớn nhất Trung Hoa
Hình mẫu của bộ phim “Cửu Sắc Lộc”. (Tranh: Tiexue.net, Public Domain)

Trên bức bích họa trong hang Mạc Cao có một người hình dáng gần giống khỉ, có lẽ chính là nguyên mẫu của Tôn Ngộ Không. Người này có tên là Thạch Bàn Đà. Bởi vì ông là người Hồ nên lông tóc khá rậm giống như loài khỉ.

Hang Mac Cao nghe thuat Phat giao 08
Hình mẫu nguyên gốc của hình tượng Tôn Ngộ Không trong “Tây Du Ký”. (Tranh: Tiexue.net, Public Domain)

Thạch Bàn Đà từng là một tên cướp giết người cướp của, trải qua sự dạy dỗ của Đường Tăng, cuối cùng tỉnh ngộ và trở thành đệ tử đầu tiên, cũng như giúp Đường Tăng vượt qua sa mạc lẩn tránh quan phủ. Những điều này đều được ghi chép chi tiết trong quyển “Đường Tăng Tây Du Ký”.

Kiếp nạn của hang Mạc Cao

Hang Mạc Cao mà chúng ta nhìn thấy ngày nay đã được trải qua trùng tu. Trên thực tế, sau khi bị bỏ hoang qua hai triều đại Nguyên – Minh. Đến khi được phát hiện vào cuối thời nhà Thanh (đầu thế kỷ 20), hang Mạc Cao đã hoang vu lạnh lẽo, con đường ván gỗ phía trước động đã bị hủy hoại, vách đá đổ sụp, hang động đổ nát, cát lắng tích tụ như núi do lâu ngày không được dọn dẹp đã chôn vùi rất nhiều hang động ở tầng dưới cùng.

Kiếp nạn thứ nhất: Tai họa Tàng Kinh Động

Vào năm 1900, đạo sỹ Vương Viên Lục sống trong hang Mạc Cao đã thực hiện cuộc quét dọn với quy mô lớn. Trong lúc dọn sạch cát tồn đọng trong hang số 16 (số hiệu hiện nay), ông vô tình phát hiện thấy một cánh cửa nhỏ trên tường ở đường hầm phía Bắc, khi mở ra thì bên trong xuất hiện một căn phòng hình chữ nhật rộng 2,6m, cao 3 m. Bên trong căn phòng có hơn 50.000 văn vật như sách, tranh giấy, tranh lụa, tranh thêu, v.v.. Đây chính là “Tàng Kinh Động” nổi tiếng.

Sau này nhà thám hiểm người Anh Aurel Stein đến hang Mạc Cao, ngon ngọt dùng 4 cái móng ngựa bạc lừa đạo sỹ họ Vương để đổi lấy hầu hết số kinh sách, hiện nay số sách này được lưu giữ tại Bảo tàng Anh.

Kiếp nạn thứ hai: Tượng và bích họa bị cắt ra

Khi Aurel Stein đến từ Anh và Paul Pelliot đến từ Pháp, họ hầu như chuyển hết tất cả tài liệu đi. Sau đó, hang Mạc Cao lại một lần nữa phải đón tiếp một tên cướp khác là Landon Warner đến từ Mỹ. Đáng tiếc rằng ông ta đã đến muộn, những gì có thể lấy đi đều đã bị lấy rồi. Ông ta quá tức giận nên đã khiến hang Mạc Cao chịu một cuộc tấn công mang tính hủy diệt: cắt những bức tượng và bích họa ra để lén đưa về nước.

Kiếp nạn thứ ba: Quân lính Sa Hoàng

Trong khoảng thời gian 1920 – 1921, hàng trăm quân dưới quyền Sa Hoàng thất bại trong cuộc chiến tranh trong nước đã bỏ trốn ra nước ngoài dưới sự lãnh đạo của Thiếu tá lục quân. Những người này vượt qua biên giới, từ Tân Cương chạy đến Trung Quốc và bị bắt lại, cuối cùng bị giam trong hang Mạc Cao trong thời gian nửa năm.

Những người này trong lúc tuyệt vọng, bích họa trong hang động đã trở thành nơi để họ trút tức giận. Họ không chỉ vẽ bậy lên bích họa, mà còn nhóm lửa nấu cơm ở góc hang động khiến không ít những bức bích họa bị xông bởi khói đen.

Kiếp nạn thứ tư: Danh nhân hội họa

Vào đầu năm 1941, bậc thầy hội họa một thời Trương Đại Thiên đã bỏ lại vợ con để đến khảo sát hang Mạc Cao Đôn Hoàng và tổng cộng ở lại đây 2 năm lẻ 7 tháng. Trong thời gian này, để vẽ lại khá nhiều những bức bích họa của các triều đại khác nhau, ông ta đã bóc từng lớp từng lớp bích họa ra. Đối với Trương Đại Thiên thì đây là sự nâng cao về mặt nghệ thuật, còn đối với quốc gia và dân tộc thì đây là một sự tổn thất không thể nào bù đắp nổi.

Hưng suy của miền đất nghệ thuật Phật giáo lớn nhất Trung Hoa
(Ảnh: Adam Crase KungFuImaging, Shutterstock)

Trải qua nhiều cuộc đại nạn, hang Mạc Cao vẫn còn được bảo tồn đến ngày nay, nhưng lòng kính Phật trong tâm người ta, cùng những tinh hoa Phật giáo đã không còn được lưu giữ…

Theo Vision Times tiếng Trung
Ngọc Trúc biên tập

Xem thêm:

Mời nghe radio: