Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Lý Thuấn Thuần (Yi Sun-sin) chưa bao giờ thất bại, nhưng khi còn sống thì bị triều đình ghẻ lạnh, bị vua ganh ghét, nên có người đã ví ông như Nhạc Phi của Triều Tiên. Sau khi ông mất, triều đình Triều Tiên mới nhìn nhận và xưng tụng Lý Thuấn Thuần là Trung Vũ Công, Tuyên Vũ Nhất Đẳng Công Thần, Đức Phủ Viện Quân. Cho đến ngày nay, Lý Thuấn Thuần vẫn được người dân Hàn Quốc ngưỡng mộ như một vị anh hùng của đất nước. Một trong những chiến công đưa Lý Thuấn Thuần trở thành một huyền thoại của hải quân thế giới là trận Myeongnyang với chiến thắng chênh lệch lớn nhất: 13 tàu đối 133 tàu.

Tiếp theo kỳ 1, trong giờ phút lịch sử quan trọng đó, chỉ một tàu của Lý Thuần Thuần vẫn tiến lên đối đầu với 133 tàu Nhật Bản…

Kỳ tích

Lúc này chỉ có một tàu của Lý Thuần Thuần hiên ngang tiến lên đối diện với 133 tàu chiến Nhật Bản cộng thêm 200 tàu hậu cần nhỏ. Quân Nhật nhìn thấy phía Triều Tiên chỉ có một tàu duy nhất thì cũng hăm hở tiến đến.

Lý Thuấn Thuần và trận đánh chênh lệch nhất trong lịch sử hải quân thế giới
Tranh mô tả trận Myeongnyang. (Tranh qua Historycollection.co)

Tuy nhiên do eo Myeongnyang nhỏ hẹp, các tàu Nhật đi sát lại gần nhau, khó di chuyển, lại gặp phải dòng nước xoáy khiến chúng va vào nhau. Vậy là tàu Nhật trở thành mục tiêu thuận lợi cho pháo của Lý Thuấn Thuần.

Nhận thấy các tàu của quân Nhật khó tiến lên, tình hình có chiều hướng thuận lợi, 12 tàu còn lại của Triều Tiên mới tiến lên xếp cùng đội hình với tàu của Lý Thuần Thuần nã pháo vào các tàu Nhật Bản. Lúc này, phía Nhật biết rằng số lượng tàu Triều Tiên quá ít, họ hoàn toàn có thể dùng lực lượng áp đảo, bèn kéo đến đông hơn.

Khi các tàu Nhật đã tiến gần tới tàu Triều Tiên thì điểm chết người của eo Myeongnyang đột ngột phát huy tác dụng: hướng dòng chảy đổi chiều khiến các tàu Nhật đột nhiên trở thành các tàu ngược dòng và bị hãm vào vùng xoáy.

Ly Thuan Thuan thuy chien huyen thoai 01
Thủy quân Triều Tiên với đặc trưng là tàu con rùa do Lý Thuấn Thuần sáng chế. (Ảnh: PHGCOM, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Bất ngờ này khiến cho tàu Nhật phơi mình dưới làn đạo pháo của Triều Tiên. Nhiều tàu Nhật bị bắn chìm xuống đáy biển, các binh sĩ không thể bơi lên bờ, quân Nhật hoang mang, quyết định rút lui. Tổng cộng có khoảng 30 tàu chiến của Nhật bị đánh chìm. Số lượng tàu Nhật hỏng hóc nhiều không tính xuể. Một nửa lính thủy quân Nhật Bản tử trận hoặc thương vong.

Phía Triều Tiên chỉ có 2 người bị chết và 3 người bị thương, đều ở trên tàu chỉ huy của Lý Thuần Thuần, và 13 tàu của Triều Tiên đều còn nguyên vẹn.

Sau trận chiến huyền thoại này, Lý Thuần Thuần vẫn rút lui khỏi biển Hoàng Hải vì tương quan lực lượng vẫn chênh lệch rất lớn. Tuy nhiên, những người lính chạy trốn và các tàu chạy trốn sau trận thua của Won Gyun nghe tin thắng trận đã mừng rỡ tìm về, khiến thủy quân Triều Tiên được khôi phục thêm. Đầu năm 1598, trước chiến thắng của Lý Thuấn Thuần, thủy quân nhà Minh từng được phân ra các cảng chính tại Trung Hoa để đề phòng quân Nhật, cũng ra nhập hỗ trợ thủy quân Triều Tiên.

Cuộc chiến cuối cùng

Lúc này ở trên bộ, dưới sự viện trợ của quân Minh, quân Triều Tiên và quân Minh đã giành nhiều chiến thắng quan trọng khiến quân Nhật buộc phải từ bỏ xâm lược Triều Tiên.

Mùa thu thu năm 1598 lãnh chúa Hideyoshi bị bệnh nặng. Ngày 18/9/1598, Hideyoshi lệnh rút quân khỏi Triều Tiên khi đang hấp hối. Các tướng của Nhật quyết định nhanh chóng trở về nước để tham gia cuộc chiến quyền lực lên ngôi Chúa thay cho Hideyoshi.

Lúc này Triều Tiên nhận được tin do thám cho biết 500 tàu chiến Nhật thả neo tại eo biển hẹp Noryang để đón quân Nhật trên bộ rút lui khỏi Triều Tiên.

Thủy quân nhà Minh cũng xuất hiện để cùng quân của Lý Thuấn Thuần tấn công thủy quân Nhật Bản. Phía liên quân Triều Tiên và nhà Minh chỉ có 146 tàu, gồm 83 tàu của Triều Tiên và 63 tàu của quân Minh. Lý Thuấn Thuần hạ lệnh tấn công vào lúc 2 giờ sáng ngày 16/12/1598 dùng pháo và mũi tên có gắn lửa.

Khi bình minh ló dạng cũng là lúc quân Triều Tiên thắng lớn, tàu Nhật Bản bị cháy hoặc chìm rất nhiều.

Lý Thuấn Thuần cho tàu của mình dẫn đầu toàn quân tiến lên đánh trận cuối cùng đánh đuổi quân Nhật. Ông đứng trên tháp pháo chỉ huy cổ vũ toàn quân tiến lên. Bỗng ông thấy nhói đau ở bên sườn rồi ngã xuống, một viên đạn hỏa mai đã bắn trúng bên sườn của ông.

Lý Thuấn Thuần và trận thủy chiến huyền thoại trong lịch sử hải quân thế giới
Thủy quân Triều Tiên và thủy quân Nhật cận chiến. (Tranh: Thái Điền Thiên Dương, Wikipedia, CC BY 1.0)

Lúc này bên cạnh ông có 3 người là Yi Hoe con trai cả của ông, Song Hui-rip, và Yi Wan cháu trai của ông. Trong hơi thở cuối cùng ông nói với họ rằng:

“Trận chiến đã lên cao trào. Hãy tiếp tục đánh trống trận của ta. Đừng công bố cái chết của ta”.

Yi Wan tiếp tục đánh trống trận thúc quân tiến lên.

Trận đánh tại Noryang kết thúc, gần 250 tàu của quân Nhật cùng rất nhiều quân bị tiêu diệt, 100 tàu bị bắt. Quân Triều Tiên reo hò chiến thắng nhưng lúc này họ mới biết, chủ tướng của họ đã nằm xuống.

Tưởng nhớ

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Lý Thuấn Thuần chưa bao giờ thất bại, nhưng khi còn sống thì bị triều đình ghẻ lạnh, bị vua ganh ghét, nên có người đã ví ông như Nhạc Phi của Triều Tiên. Sau khi ông mất, triều đình Triều Tiên mới nhìn nhận và xưng tụng Lý Thuấn Thuần là Trung Vũ Công, Tuyên Vũ Nhất Đẳng Công Thần, Đức Phủ Viện Quân. Các miều thờ Lý Thuấn Thuần được xây dựng khắp nơi ở đất nước Triều Tiên.

Lý Thuấn Thuần không chỉ được vinh danh ở Triều Tiên, mà còn được cả đối thủ của ông hết sức kính trọng và ngưỡng mộ. Tướng quân Nhật Bản Wakizaka Yasuharu đã nói rằng: “Lý Thuấn Thuần là người mà ta sợ nhất, ghét nhất, yêu quý nhất, ngưỡng mộ và kính trọng nhất, mong muốn tiêu diệt nhất và muốn được ngồi uống trà cùng nhau nhất”.

Điện ảnh Hàn Quốc sau này đã cho ra mắt bộ phim “Đại thủy chiến” mô tả lại cuộc hải chiến Myeongnyang của Lý Thuấn Thuần. Bộ phim được khởi chiếu tại Hàn Quốc vào tháng 7/2014, ngay lập tức tạo nên thành công vang dội. Sau đó nó đã phá vỡ mọi kỷ lục để trở thành bộ phim thành công nhất Hàn Quốc. Đến hết tháng 8/2014 bộ phim đã thu về 128,4 triệu USD, thu hút hơn 17 triệu lượt người xem, vượt xa vị trí thứ hai của phim Avatar xác lập năm 2009.

Lý Thuấn Thuần và trận thủy chiến huyền thoại (P1)
Tượng Lý Thuấn Thuần tại Seoul. (Ảnh: Roundex/Shutterstock, Royalty-free stock photo)

Ngày nay người dân Hàn Quốc chọn nơi trang trọng nhất của quảng trường Quảng Hòa Môn ngay tại trung tâm thủ đô Seoul để dựng tượng đài Lý Thuấn Thuần.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: