Trước tiên, đặc trưng thứ nhất là giờ học ở Việt Nam lấy truyền đạt thông tin làm mục đích.

Ở giờ học toán “38+25” của học sinh lớp 2 đã dẫn ra trong các ví dụ thực tiễn trước đó, việc truyền đạt đến học sinh thông tin là trình tự tính toán trong phép tính cộng có nhớ đã trở thành vấn đề trung tâm của giờ học. Giáo viên đã nỗ lực truyền đạt nó tới học sinh bằng nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng bộ que tính và cho học sinh làm bài tập luyện tập. Mặt khác, đối với học sinh, việc ghi nhớ trình tự tính toán phép tính trở thành điều quan trọng và không chấp nhận chuyện đặt ra câu hỏi tại sao lại như thế. Trong giờ học có những học sinh lúng túng với phép tính này và có khi chính họ đã đặt ra câu hỏi với thông tin rằng tại sao lại phải dựa trên trình tự tính toán đó cũng nên. Giả sử như đúng như vậy thì các em đó đã có tư duy toán học bậc cao. Các nghiên cứu tâm lý học gần đây đã chứng minh rằng tư duy như vậy rất quan trọng khi học điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, trong giáo dục theo kiểu truyền đạt thông tin, việc làm cho người học đặt ra câu hỏi với chính thông tin đó rất khó có thể xảy ra trong bản thân kiểu giáo dục đó. Trong giờ học này, cho đến cuối cùng giáo viên cũng chỉ yêu cầu học sinh ghi nhớ, học thuộc thông tin với tư cách là cách tính toán.

Trong giờ học môn Tự nhiên và xã hội của học sinh lớp 3 với chủ đề “Bệnh lao” những nội dung như nguyên nhân, triệu chứng, con đường lây nhiễm của bệnh lao là thông tin cần truyền đạt tới học sinh, giáo viên đã nỗ lực sử dụng tranh minh họa trong sách giáo khoa, tiến hành cho học sinh đóng vai nhân vật, để truyền đạt thông tin chính xác và giúp cho học sinh dễ nhớ. Ở đây cũng hoàn toàn không thấy chuyện suy nghĩ sâu hơn về bệnh lao như “bệnh lao là bệnh gì?”, “nguy cơ về bệnh lao ở xung quanh chúng ta như thế nào?” hay tư thế suy nghĩ về sự liên quan giữa bệnh lao và đời sống. Chúng đã bị gạt ra khỏi lĩnh vực truyền đạt thông tin vì bị nhìn nhận như là “những thứ không cần thiết”. Cả học sinh cũng có tâm thế đó vì thế không hề đặt ra câu hỏi về chúng. Bởi vì các em nghĩ rằng ghi nhớ những thông tin được truyền đạt là học tập.

Giờ học “Viết thư” môn Tiếng Việt của học sinh lớp 4 về cơ bản cũng là giờ học lấy truyền đạt thông tin làm trung tâm. Ở đây thông tin quan trọng là cấu trúc ba phần của lá thư. Mục đích là truyền đạt thông tin cấu trúc 3 phần của thư (mở đầu, nội dung, cuối thư) tới học sinh. Đối với học sinh, chỉ cần ghi nhớ thư gồm ba phần mở đầu, nội dung, cuối thư và nội dung ở mỗi phần là đủ. Chuyện suy nghĩ xem “mở đầu là phần có ý nghĩa như thế nào?”, “trong ba phần nếu thiếu một phần thì sao?” không được đặt ra. Bởi vì những nội dung này là những thông tin học sinh cần phải ghi nhớ được ghi trong sách giáo khoa.

Mục đích của giáo dục là truyền đạt thông tin?
Trích từ cuốn “Cải Cách Giáo Dục Việt Nam – Liệu Có Thực Hiện Được Lấy Học Sinh Làm Trung Tâm?” của tác giả Tanaka Yoshitaka, dịch giả Nguyễn Quốc Vương. (Ảnh: Facebook Nguyễn Quốc Vương)

Giờ học “Sông ngòi Việt Nam” dành cho học sinh lớp 5 là giờ học thể hiện rõ nhất đặc trưng của kiểu giờ học truyền đạt thông tin trong 4 giờ học ví dụ. Trong giờ học này, ba loại thông tin lớn là tên gọi và vị trí các con sông chủ yếu, tình hình và ảnh hưởng của sông ngòi mùa mưa và mùa khô, vai trò của sông ngòi được chuẩn bị và trong giờ học các thông tin này được đưa ra cho học sinh theo trình tự. Khi đưa ra, chúng đã được tiếp nhận mà hoàn toàn không có sự cân nhắc tới mối quan hệ qua lại, nhân quả giữa các nội dung trước, sau. Nói tóm lại, ngay cả trong đầu giáo viên sự liên kết, mối quan hệ đó cũng không rõ ràng và chỉ nghĩ có 3 thông tin cần dạy và cần truyền đạt chúng.

Như vậy, giáo dục mà ở đó các thông tin cần truyền đạt được quyết định sẵn và truyền đạt thông tin trở thành mục đích lớn nhất là giáo dục có phương pháp cổ xưa nhất trong lịch sử giáo dục. Phương pháp giáo dục này được tiến hành từ trước khi hệ thống giáo dục cận đại ra đời và hiện nay có thể thấy ở nhiều nước, nhiều hiện trường giáo dục. Tuy nhiên, nếu chỉ xét ở khóa trình giáo dục tiểu học ở các nước tiên tiến phương Tây thì phương pháp giáo dục này đã trở thành di vật của quá khứ và hầu như không còn thấy nữa. Gốc rễ của giáo dục lấy mục đích là truyền đạt thông tin là tư tưởng thế hệ sau phải kế thừa thành tựu vĩ đại mà nhân loại đã đạt được trong quá khứ và giáo dục phải hoàn thành nhiệm vụ đó. Bản thân tư duy này không phải hoàn toàn sai nhưng việc coi nơi giáo dục đơn giản chỉ là nơi truyền đạt thông tin là sai lầm lớn. Đối với con người, quả thật thông tin rất quan trọng. Nếu như không có thông tin thì không thể làm được gì. Tuy nhiên, nếu nói có phải cứ có thông tin thì con người có thể có đời sống xã hội lành mạnh hay không thì câu trả lời rõ ràng là không. Cho dù thông tin có nhiều thế nào đi nữa mà không có năng lực xử lý chúng, nghĩa là năng lực suy nghĩ, phân tích, năng lực lý giải sự thật thì thông tin chẳng qua cũng chỉ là thông tin mà thôi. Trong xã hội hiện đại tràn ngập thông tin ai cũng đều nhận thấy rõ ràng điều này đang ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Ngoài ra, trong giáo dục lấy mục đích là truyền đạt thông tin còn có xu hướng đối với phía truyền đạt thông tin, tức là giáo viên, việc có truyền đạt hay không truyền đạt thông tin trở nên quan trọng và chuyện phía tiếp nhận thông tin, tức học sinh, có tiếp nhận thông tin ổn thỏa không, có hiểu không không được chú ý đầy đủ. Ví dụ điển hình là giờ học môn Toán trước đó đã đưa ra. Do giáo viên nghĩ rằng một khi thông tin đã phát ra thì chắc chắn sẽ được truyền tới học sinh cho nên đã không thể nhìn thấy thực tế nó không được truyền tải tới học sinh. Điều này đã trở thành một khuyết điểm lớn của giáo dục theo kiểu truyền đạt thông tin.

Trích từ cuốn “Cải Cách Giáo Dục Việt Nam – Liệu Có Thực Hiện Được Lấy Học Sinh Làm Trung Tâm?”
Tác giả: Tanaka Yoshitaka
Dịch giả: Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: