Nền giáo dục tôi muốn nói ở đây là bao gồm cả gia đình, xã hội và nhà trường.

Trước tiên, ta nhìn trong gia đình, tôi dám chắc một điều trong những bạn đọc bài viết này thì phần đông đều đã từng bị mắng, bị đánh, bị phán xét trong gia đình ngay từ khi còn nhỏ. Làm đổ chai nước mắm, bạn bị mắng là “Thằng phá hoại.” Làm vỡ cái bát khi rửa chén, bạn bị mắng, “Thứ đồ hậu đậu.” Chạy chơi vấp ngã hoặc làm đổ vỡ lọ hoa, bạn bị mắng, “Đồ hư. Mắt mũi để ở đâu?” Thậm chí tôi bị mắng, bị đổ thừa cho những việc mình không làm hoặc không biết như cái tivi hỏng, cái radio hư chỉ vì suy đoán, “Không phá sao nó hư? Nãy mày đụng vô giờ nó hư mà còn chối à? Con gái gì mà đụng đâu hư đó đổ vỡ đó.” Với cái lý ấy thì bạn sẽ chỉ biết câm lặng nuốt cục ức vào lòng.

Bạn cũng sẽ dễ bị đổ thừa tại bạn nên tóc ba mẹ bạc nhiều, tại bạn là đứa không ra gì nên ba mẹ phải vất vả và do bạn không bằng đứa hàng xóm nên ba mẹ không vui, không tự hào, sự có mặt của bạn trên đời làm họ phải lao động không ngơi tay chỉ để nuôi những cái mồm ăn hại học hành không ra gì chả được cái tích sự chi, thậm chí con mèo làm vỡ cái ấm thì chẳng biết cách nào đó bạn cũng sẽ bị mắng do không trông nó và do đó bạn là đứa không biết tiết kiệm giữ gìn tài sản… Với một đứa trẻ phải chịu đựng những thứ ấy nhiều lần trong nhiều ngày thì sau giai đoạn tâm trạng hoang mang sẽ quen dần với việc bị phán xét và hình thành thói quen phán xét, đổ thừa một cách vô thức.

Đi học, bạn có thoát không? Không. Bởi chúng bạn xung quanh đều là những đứa trẻ cũng phải chịu đựng tổn thương như bạn và đã hình thành thói phán xét trong vô thức. Thiếu kiến thức và trẻ con nên đứa nào cũng bị tình trạng phán xét ẩu. Cả đám chia phe nhảy dây, bạn vấp dây, làm đội mình thua, cả đám sẽ nhìn bạn với cặp mắt hình viên đạn cùng những lời đổ thừa. Bạn đẹp hơn những đứa chơi cùng, bạn bị chúng mắng “Chảnh chẹ”. Bạn mặc đẹp và gọn gàng hơn chúng bạn, bạn bị mắng. Bạn xấu hơn và có khuyết tật? Đời bạn là bi kịch bởi cả lũ sẽ trêu chọc bằng những lời đầy cay nghiệt. Những tưởng chỉ là những lời và trò trẻ con, không quan trọng nên thường là không ai quan tâm, nhưng chính nó lại bồi đắp thêm cho việc hình thành thói phán xét và phán xét ẩu.

Bạn phải học thuộc khẩu hiệu, nếu không thuộc hoặc thắc mắc, bạn sẽ bị đánh giá đạo đức loại trung bình chứ không được loại tốt. Bạn không đọc thuộc lòng các bài văn thơ, các bài học, các bài bạn làm không theo khuôn mẫu mà chỉ trả bài theo cách của bạn thì bạn bị phán xét “đứa cứng đầu” và dĩ nhiên điểm thấp. Về nhà bạn sẽ tiếp tục chịu đựng sự kêu gào, phán xét của ba mẹ, họ thà “đẻ quả trứng luộc ăn còn hơn”.

Ra xã hội, bạn cũng chẳng thể nào thoát. Không một ai cho bạn thoát. Bạn chạy xe chở một người. Lỡ gặp tai nạn, bạn sống còn người kia chết. Cuộc đời của bạn sau đó sẽ phải chịu đựng những phán xét, đổ lỗi làm bạn ước cái đứa chết là mình. Trong những chuyện nho nhỏ hằng ngày, bạn cũng sẽ gặp những lời phán xét và phán xét ẩu khắp nơi từ mọi người. Bạn tưởng bạn thành đạt và giỏi giang thì bạn thoát ư? Không hề. Người ta vẫn sẽ phán xét bạn trong những điều bạn không thể nào ngờ được. Và, bạn nhạn ra hay không thì bạn cũng nhiễm thói phán xét và phán xét ẩu người khác.

Sự phán xét, nhất là phán xét ẩu luôn gây ra tổn thương. Nó không có lợi cho việc chung.

Làm sao để nhận diện ra sự phán xét, phán xét ẩu trong chính mình để học cách loại bỏ nó?

Một ví dụ, hôm trước, tôi đọc một chia sẻ ngắn vài dòng của một ông bạn, ông bảo ông gặp khó trong việc bóc vỏ tỏi và khi ông làm vỡ kết cấu của nó thì ông lột vỏ nó dễ hơn. Vừa đọc xong, tôi cười mỉm nghĩ, “Cái ông này, chuyện vậy cũng viết. Tôi đã biết đập dập tép tỏi cho dễ lột vỏ từ hồi bảy tám tuổi. Cả đời ổng không biết làm gì mà đến khi già mới biết cách đập dập củ tỏi cho dễ lột?” Ngay lập tức tôi nhận ra trong tiềm thức mình đang phán xét anh ta chỉ vì anh ta biết một điều trễ hơn mình, vậy thôi. Anh ta có ăn hết của nả gì của tôi đâu? Anh ta có tội gì? Anh ta có dạy dỗ gì tôi đâu? Anh ta chỉ đơn giản là chia sẻ một điều anh ta biết và thậm chí còn có ẩn ý phía sau đó về xã hội. Cớ gì tôi lại cho mình cái quyền phán xét anh ta dở hơn mình, rằng anh ta là người chả biết làm gì? Sao tôi có thể dễ dàng phán xét một người bạn thân quý của mình đến vậy? Để tôi ve vuốt cái tôi bản thân là ít ra tôi cũng giỏi hơn người khác ở một điều gì đó? Những suy nghĩ trên diễn ra trong đầu tôi rất nhanh và nó làm cho tôi thấu hiểu, làm cho tôi dừng lại không gõ một cái còm trêu chọc phán xét, nếu tôi không tự vấn và ngăn mình, có thể tôi đã mất một người bạn vì suy nghĩ xấu về họ hoặc nói ra những lời phán xét thô thiển làm cho bạn buồn.

Lại một ví dụ khác, anh chở chị đi đường, ngã xe. Câu đầu tiên hai người nói với nhau là trách, người này đổ thừa tại người kia và phán xét nhau. Cái đau vẫn y nguyên còn cộng thêm bực mình và đứa nào trong lòng cũng đầy hoang mang tự trách sau đó, dù chẳng đứa nào có lỗi. Cái thói phán xét bật ra như một phản xạ tự nhiên để tự bảo vệ mình, dù nó chẳng bảo vệ được ai mà còn gây tổn thương cho nhau.

Anh em bạn bè tôi có nhiều người có những đoạn đời đầy đau đớn và họ giữ nhiều bí mật trong lòng, có người đã từng làm sai, có người từng chịu nhiều tổn thương trong gia đình hoặc trong chiến tranh, có người từng giết ai đó… và họ không thể kể với một ai bởi họ sợ người khác không thể hiểu và cái chính là họ sợ sự phán xét cay nghiệt từ người khác.

Anh trải qua chiến tranh, từng cầm súng bắn giết, từng trả thù tàn bạo khi đồng đội mình bị giết. Nỗi ám ảnh chiến tranh và những việc đã làm thường làm anh bị trầm cảm. Anh không kể với ai vì biết rằng người ta sẽ không thể hiểu. Tôi nghe, không một câu phán xét, không một suy nghĩ anh xấu xí cần tránh xa, tôi chỉ nghe và khen anh đã vượt qua được thời kỳ khủng hoảng hậu chiến. Ở chiều ngược lại, anh bảo tôi “đừng tự huyễn hoặc mình” chỉ vì nhìn một bức tranh anh thấy bão tố còn tôi thì thấy bình yên. Qua ví dụ này ta thấy, cho dù bạn có thấu hiểu người khác và không phán xét họ thì họ cũng phán xét bạn không kiểu này thì kiểu khác không lúc này thì lúc khác. Và điều đó đến từ vô thức. Cái vô thức không được nhận biết này thường gây tổn thương.

Chúng ta thường khuyên nhau mặc kệ những lời phán xét, phán xét ẩu và thô thiển của người khác. Chúng ta giả bộ là chúng ta mạnh mẽ lắm, bất chấp được những lời phán xét và vẫn giữ được mình. Không có đâu, thưa bạn. Chúng ta là con người với rất nhiều cảm xúc, chúng ta rất mong manh và dễ vỡ, yếu đuối lắm. Cái tư duy đúng phải là nhận ra và thay đổi chính mình, thay đổi người xung quanh, thay đổi xã hội để bớt đi thói xấu chứ không phải là mặc kệ. Vì chúng ta mặc kệ nên bây giờ cho dù chúng ta có vẻ là một cộng đồng nhưng chúng ta chẳng có một sự kết dính nào vì chúng ta luôn nghi ngờ, lo sợ hoặc đề phòng nhau. Chúng ta cô đơn hơn bao giờ hết cho dù đang ở giữa đám đông hay trong chính nhà mình.

Tôi đã phải tự học và tự rèn mình rất nhiều để không phán xét. Tôi muốn cuộc sống của mình và những người xung quanh mình dễ chịu hơn. Xa hơn nữa, tôi muốn thay đổi xã hội.

Có một anh chia sẻ trong bài viết của tôi rằng ở đâu, xã hội nào cũng có những người thích phán xét, phán xét ẩu. Đúng. Nhưng, họ nhận ra đó là thói xấu cần sửa và họ cố gắng sửa bằng cả nền giáo dục không phán xét mà tự vấn. Có lần, xem chương trình “America’s Got Talent”, giám khảo Simon tỏ thái độ “Cô này xấu vậy thì hát không ra gì.” Và khi cô hát xong, Simon thẳng thắn, “Trước tiên, tôi xin lỗi bạn vì tôi đã phán xét bạn…” Đó là thái độ trung thực, tự vấn, thẳng thắn mà tôi muốn có, tôi cố gắng học để có và tôi mong muốn người Việt có bởi tôi biết nó sẽ thay đổi được rất nhiều điều và là một trong những chất gắn kết xã hội cho sự thay đổi lớn hơn. Nếu không chúng ta sẽ chẳng thể làm được việc gì lớn vì mỗi người đều bị tổn thương và dần xa nhau bởi thói phán xét, phán xét ẩu.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video: