Đạo sĩ thường được hiểu là một danh xưng thông dụng chỉ giáo đồ Đạo giáo tin vào giáo nghĩa Đạo giáo và tu tập Đạo pháp. Nhưng kỳ thực trong lý niệm của cổ nhân, phải có đủ tư cách thì mới được gọi là Đạo sĩ.

Dẫu biết mệnh trời vẫn phải dốc sức tận trách
(Ảnh: Aphotostory, Shutterstock)

Trong “Thái tiêu lang thư kinh” viết: “Nhân hành đại đạo, hiệu vi đạo sĩ. Sĩ giả hà? Lí dã, sự dã. Thân tâm thuận lí, duy đạo thị tòng, tòng đạo vi sự, cố viết đạo sĩ”, đại ý rằng: Đạo sĩ sở dĩ được xưng hô như vậy là vì đi đứng ngồi nằm của họ, mỗi cử động, mỗi niệm, mỗi tâm của họ, trong sinh hoạt thì tất cả ngôn hành tư tưởng của họ, chỉ nhằm tu Đạo, chỉ có hành Đạo. Tín “Đạo”, tu “Đạo” và hành “Đạo” là mục tiêu cuối cùng của nhân sinh, là đặc điểm quyết định nội dung trong sinh hoạt của các Đạo sĩ. Đó mới đích thực là Đạo sĩ.

Danh xưng “Đạo sĩ” bắt đầu từ thời nhà Hán. Lúc đó từ này ý chỉ phạm vi người rộng lớn hơn. Ngoại trừ các tín đồ của hai giáo phái “Ngũ đẩu mê đạo”“Thái bình đạo” bị coi là mượn danh Đạo giáo ra, thì các phương sĩ, thuật sĩ đến một số người trong các trường phái Đạo gia đều có thể được gọi là Đạo sĩ. Thời kỳ Nguỵ, Tấn và Nam Bắc triều, danh xưng này thậm chí bị lẫn lộn với danh xưng các tăng lữ Phật giáo. Cho đến đời Tùy, Đường, Đạo sĩ và các tên hiệu tương ứng được gọi như là Đạo nhân, vũ sĩ, vũ khách, vũ nhân, hoàng quan, v.v., mới dần dần trở thành các danh xưng chuyên biệt cho các nhân viên thần chức, cai quản điện thờ của Đạo giáo.

Với sự gia tăng số lượng của các nữ tu nhập đạo, thì còn xuất hiện danh xưng như là nữ quan. Ở tình huống thông thường, danh xưng tôn kính đều là Đạo trưởng. Trong điển tịch của Đạo giáo, nam đạo sĩ còn được gọi là Càn Đạo, và nữ đạo sĩ được gọi là Khôn Đạo. Hoàng quan mũ vàng chuyên để chỉ nam, trong khi nữ được gọi nữ quan.

Giữa các Đạo sĩ với nhau, thì gọi nhau như là Đạo trưởng, Đạo hữu, Đạo huynh, v.v.. Đối với cách gọi nam nữ chung chung, thì có thể xưng là cư sĩ, tín sĩ. Trong Đạo môn có một vài người có được tôn xưng đặc thù, ví như Trương Đạo Lăng, Khấu Khiêm, cho đến các chưởng môn Long Hổ sơn thiên sư sau này, tất cả đều được xưng là “thiên sư”. Các Đạo sĩ có thể vượt trên cả mọi người, đức cao vọng trọng, học thức uyên bác, thường được gọi bởi cả người trong và ngoài Đạo giáo là chân nhân, tiên sinh, cao sĩ, v.v.. Các tôn xưng này, một số trong đó là được triều đình phong tặng.

Điều Đạo giáo truy cầu là cảnh giới “dữ Đạo hợp nhân”, là cảnh giới mà tinh thần và nhục thể hoàn toàn hoà hợp thành thể thống nhất. Người chuyên tu với mục tiêu để có các phép thuật thì gọi là thuật sĩ, không phải Đạo sĩ. Phương thức đi ra khỏi Đại Đạo mà chuyên tu phép thuật này được gọi là bàng môn tả đạo, tức là đi đường nhánh, đi cửa phụ.

Đạo giáo tôn thờ là đạo và đức, “Đạo” là chủ tể của vũ trụ, “Đức” là biểu hiện bên ngoài, là hiện thân của Đạo tại thế gian. Đạo giáo lấy trừu tượng của Đạo mà biểu hiện ra ngoài, đạo tu thân thành công ắt phải có đức, nhưng đức ấy cần phải vô vi (thuận theo tự nhiên, không cố ý cưỡng cầu), cho rằng “vô vi vi thượng đức, hữu vi vi hạ đức” (xem vô vi như đức cao, hữu vi như đức thấp). Bởi vậy nhìn bề ngoài người đời thường nhấn mạnh chuyện ăn chay, thuộc kinh, đả tọa, động tác, nhưng kỳ thực muốn tu thành đạo ắt phải tu đức, phải tu tâm.

Không dựa vào tu luyện, mà chỉ khi đến mồng một, ngày rằm hay lễ hội đi thắp hương cầu khấn, hoặc giả xem toán mệnh, hỏi tài vận, thì quyết không phải là Đạo giáo chính thống dạy người ta làm, ngoài ra điều đạt được qua hình thức truy cầu này cũng là “không mất thì không được”, đều phải đổi bằng phúc phận của bản thân như sức khỏe, gia đình, tuổi thọ, v.v..

Đạo là tồn tại chân thật, cũng là quy luật phổ biến. Người ta dùng vô vi trị quốc thì quốc thái dân an; dùng thanh hư để giữ mình, dùng đạo tự khiêm nhường để trị thân thì tức là tu tâm và tu thân, có thể kéo dài tuổi thọ, dưỡng sinh, trường sinh thật sự.

Theo Vision Times tiếng Trung
Kim Khôi biên dịch

Xem thêm:

Mời xem video: