Có thể nói, danh và lợi là cuộc sống của con người trên thế gian. Vô luận là người bần cùng hay phú quý, sống trong hoàn cảnh thuận lợi hay ngang trái thì đều không thể tránh được việc có quan hệ nhất định với danh và lợi. Do vậy làm người càng cần phải xem nhẹ danh lợi, hoặc chí ít cũng có thể “quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo” – người quân tử xem trọng tiền tài, nhưng không tùy tiện nhận.

Trong sách “Thanh đại Hoàng đế bí sử” có ghi lại một câu chuyện về Hoàng đế triều Thanh, Càn Long. Một lần trong thời gian xuôi về phía Giang Nam, Càn Long đã đến thăm chùa Kim Sơn ở Trấn Giang, Giang Tô. Tại đây, Hoàng đế nhìn thấy trên dòng sông lớn dưới chân núi có hàng trăm tàu thuyền tranh nhau di chuyển.

Hoàng đế cảm thấy rất hưng phấn liền thuận miệng hỏi một vị hòa thượng già: “Ngài ở đây đã mấy chục năm rồi có thể biết mỗi ngày có bao nhiêu tàu thuyền đến đến đi đi không?”

Vị hòa thượng đáp rằng: “Tôi chỉ nhìn thấy có hai loại thuyền. Một là vì danh và một là vì lợi mà thôi”.

Người thông thấu nhân sinh thường xem nhẹ danh và lợi
(Ảnh minh họa: Nattawut Jaroenchai, Shutterstock)

Trong cuộc sống hiện thực, có những người cả đời chuyên tâm làm việc của mình, xem danh lợi nhạt như nước, nhẹ như lông hồng, xem trách nhiệm nặng như núi. Có người lại suy nghĩ về danh lợi rất nặng, khi chiếm được thì dạt dào đắc ý, khi không chiếm được liền nản lòng thoái chí. Lại có những người vì danh lợi mà không từ một thủ đoạn nào, người như thế khiến người khác xem thường, khinh bỉ.

Danh và lợi đều có mối quan hệ nhất định đối với mỗi người chúng ta. Việc truy cầu danh lợi một cách thích hợp, không khiến người khác phương hại, cũng là điều thường tình của con người thế gian. Nhưng khi một người quá suy nghĩ về công danh lợi lộc thì trong tâm sẽ sản sinh ra một loại cảm xúc nôn nóng, bất an, lý trí không thanh tỉnh. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người ấy.

Không màng danh lợi là một loại tư tưởng xuyên suốt của Đạo gia. Lão Tử giảng: “Điềm đạm vi thượng, thắng nhi bất mỹ”, ý nói không màng danh lợi là trên hết, có vô tình mà đạt được thì cũng không đắc ý dạt dào. Không màng danh lợi là một loại cảnh giới, còn theo đuổi danh lợi là một loại tham dục.

Không màng danh lợi là thái độ nhân sinh, cũng là triết lý nhân sinh. Không màng danh lợi chính là sự siêu thoát khỏi những hấp dẫn và quấy nhiễu của thế tục. Người có thể đạt tới cảnh giới ấy, tâm của họ khoáng đạt, khách quan đối đãi với hết thảy. Đây chính là điều mà cổ nhân nói: “Không bị vật lụy thì đạo đức tự cao”.

Trong xã hội ngày nay, người thực sự không màng danh lợi là rất ít, mà người một mực truy đuổi danh lợi là rất nhiều. Một người nếu quá xem trọng danh lợi thì sẽ khiến cho dục vọng vật chất và nhu cầu bản năng tùy tiện tăng lên. Có đôi khi, danh lợi là động lực khiến một người sản sinh ra chí tiến thủ. Nhưng phải hiểu được rằng, một người chỉ có vượt qua danh lợi, không bị danh lợi ràng buộc mới có thể thực sự đạt được thành tựu.

Danh và lợi có mối quan hệ khăng khít với nhau. Danh là hư, lợi là thực, hư thực kết hợp. Đạt được cả danh và lợi tuy là chuyện tốt nhưng truy danh trục lợi tất sẽ phải chịu khổ, chịu mệt. Mà mua danh chuộc tiếng cuối cùng cũng phải chịu sự cười chê của mọi người.

Danh lợi tự bản thân nó không phân tốt xấu, mà điều quan trọng là ở thái độ của một người đối đãi với danh lợi ra sao. Vô luận là ở chốn quan trường chìm nổi, hay ở chốn thương trường thành bại… một người cần phải tự cân nhắc cách đối đãi với danh lợi của mình. Làm được không màng danh lợi có thể tránh được rất nhiều thống khổ, cũng khiến thể xác và tinh thần khỏe mạnh.

Xem nhẹ danh lợi không phải là một loại thái độ bất mãn với cuộc đời. Người không ham danh lợi cũng không phải là người không có lý tưởng. Người không có tâm theo đuổi danh lợi cũng không phải là người lười biếng, tầm thường vô vị. Họ chính là người có thể nhìn thấu nhân sinh, ở trong bình thản mà tìm kiếm sự khoái hoạt, ở trong sự tĩnh lặng mà hiểu rõ mục đích cuộc đời. Điều đó cũng khiến chí của họ sáng và họ có thể nhìn được xa. Từ đó họ đạt được sự thăng hoa trong tâm linh và bản thân được thản nhiên tự tại. Đây mới là cách sống cao thượng mà người xưa hướng đến.

Một người nếu có được tâm linh chất phác, đối với việc mà bản thân nên làm thì tận lực hoàn thành, như vậy thành tựu cũng sẽ tự nhiên đến với người ấy. Họ đương nhiên sẽ được vinh hạnh mà họ đáng phải được. Không cần tính toán danh lợi, không quá coi nặng danh lợi, không cầu mà tự được, đó mới là con đường dẫn đến thành công thực sự của một người.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: