Ở Việt Nam, sau rất nhiều nỗ lực của nhiều người, văn hóa đọc đã có nhúc nhích, tủ sách, thư viện đã ra đời ngày một nhiều, việc tặng sách, tổ chức sự kiện khuyến đọc, thậm chí bán sách ở chợ đã không còn lạc lõng.

Tuy nhiên, so với tiềm năng của một quốc gia gần 100 triệu dân, lịch sử từ khi có nhà nước khoảng 2700 năm (ngang ngửa Nhật Bản) và hơn nhiều nước, đã từng kinh qua nhiều cuộc chiến tranh núi xương sông máu và người dân khao khát hòa bình, phát triển, rửa mặt nhìn thế giới thì hiện thực trên chưa tương xứng.

Đọc và năng lực đọc là nền tảng cơ bản nhất của việc học và nghiên cứu. Nếu việc học và nghiên cứu không dựa trên nền tảng đọc, năng lực đọc thì đó là học rởm và nghiên cứu mùa vụ, không thể có kết quả có ý nghĩa lâu dài.

Quốc gia muốn đi tới văn minh và công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu phải đi qua con đường phát triển văn hóa đọc. Không có dân tộc đọc sách đừng mơ có dân tộc công nghiệp hóa văn minh hóa.

Những thất bại của các trí thức trong quá khứ khi muốn canh tân đất nước, khai sáng quốc dân cũng chính là thất bại trong việc xây dựng văn hóa đọc vì không có văn hóa đọc thì nhận thức người dân không thay đổi, do họ không có phương tiện, năng lực để hấp thu cái mới, cái hay, cái tiến bộ trong tư tưởng. Những bài vè, bài thơ kiểu nôm na dân giã có thể tuyên truyền làm dấy lên khí thế hay cảm hứng dân tộc nhưng không thể truyền tải và giúp họ lý giải được sự tiến bộ trong tư tưởng một cách thấu đáo và có hệ thống.

Đọc! Đọc! Đọc!

Khuyến đọc! Khuyến đọc! Khuyến đọc!

Xây dựng thư viện! Xây dựng tủ sách!

Người người đọc

Nhà nhà đọc.

Ai cũng đọc.

Đọc bất cứ ở đâu.

Bất cứ lúc nào có thể.

Đấy là những việc cần làm ngay và làm kiên trì liên tục từ thế hệ này đến thế hệ kia bất chấp khó khăn, nghịch cảnh.

Trong các cách khuyến đọc để xây dựng văn hóa đọc thì lập tủ sách gia đình cho chính gia đình mình, người thân của mình, người trong họ mình và cộng đồng xung quanh là dễ làm nhất, làm nhanh nhất vì bản thân người chủ gia đình nắm quyền chủ động lớn.

Việt Nam hiện tại có khoảng 26 triệu hộ gia đình. Nếu mỗi gia đình có một tủ sách thì thật tuyệt vời. Về vật chất nếu mỗi tủ sách ban đầu trị giá 10 triệu đồng thì số tiền sẽ là 26 triệu x 10 triệu. Nhưng khó khăn chủ yếu không nằm ở vật chất mà nằm ở ý chí, tư tưởng. Chủ gia đình có coi trọng sách không, có coi trọng đọc không, có biết về ý nghĩa của tủ sách, thư viện nằm ở trong nhà không?

Dưới đây, tôi xin liệt kê một số lý do nên lập tủ sách gia đình cho chính con mình, vợ mình, người nhà mình đọc, nếu có điều kiện thì mở cho hàng xóm, bạn bè và cộng đồng đọc.

1. Xây dựng tủ sách là quá trình thay đổi bản thân trong đó có thay đổi tư duy và thói quen. Sự hiện diện của tủ sách trong nhà là nỗ lực vận động về nhận thức. Khi suy nghĩ về nó và quyết định có nó, nhận thức về giá trị sẽ lay chuyển theo hướng dứt bỏ sự vướng mắc vào chủ nghĩa kim tiền hay coi trọng vật chất tuyệt đối, thứ dẫn người ta vào mê cung, ngõ cụt. Khi đó câu hỏi “Tiền nhiền để làm gì?” sẽ được giải quyết cơ bản.

2. Tạo ra môi trường văn hóa thuận lợi cho con cái học tập. Sự tác động của môi trường văn hóa này vô hình và bền bỉ. Đứa trẻ như được tắm trong bầu không khí văn hóa giống như sự tác động vô hình của môi trường xã hội lên cá nhân con người.

3. Cải thiện giao tiếp trong gia đình khi mọi người có chung mối quan tâm là sách vở và có thể trao đổi về nội dung các cuốn sách.

4. Tạo ra những gợi ý để trẻ trong gia đình suy ngẫm về lối sống, cách sống và lẽ sống. Năng lượng xấu, ảnh hưởng xấu từ môi trường gia đình tác động rất mạnh đến trẻ và trẻ rất khó chống lại vì còn non yếu trong cả tư duy và thể chất. Một đứa trẻ sống trong môi trường văn chương nghệ thuật hiển nhiên có cơ hội trở thành người có tâm hồn phong phú, lành mạnh hơn rất nhiều đứa trẻ sống trong môi trường nghèo nàn văn hóa và lệch chuẩn mực phổ quát. Ngay cả người bán đất ở Việt Nam cũng biết rao “nhà nằm ở khu vực dân trí cao” là ở ý đó.

5. Cả gia đình có một thú vui tốt và không quá xa xỉ. Đọc sách có thể tốn tiền nhưng không quá xa xỉ. Nếu cố gắng, những gia đình bình thường cũng có thể hưởng thụ nếu bớt đi những khoản chi tiêu không hợp lý như hút thuốc, uống rượu, chè chén lãng phí hoặc mua các đồ dùng xa xỉ chỉ để trưng diện chứng tỏ mình sành điệu hoặc khoe mình có của.

6. Cống hiến cho cộng đồng và góp phần làm cho xã hội văn minh. Xã hội tốt lên không chỉ dựa vào vai trò của nhà nước, chính sách vĩ mô mà còn là do sự cố gắng, chủ động tham gia quản trị xã hội, cải tạo xã hội của công dân. Từng hạt cát sẽ làm nên lâu đài, thành lũy. Đừng bao giờ nghĩ mình là hạt cát không làm được gì mà hãy nghĩ mọi thứ đều được tạo ra từ những thứ nhỏ bé hơn hạt cát.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: