“Trung Hoa mộng” mà người Trung Quốc ngày nay theo đuổi là gì? Là quyền lực chính trị, là kinh tế mạnh mẽ? Nhưng chẳng phải khi Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới thì nó cũng đồng thời bị thế giới ghét bỏ và cô lập hay sao? Nhìn vào các biển báo nhắc nhở ứng xử bằng tiếng Trung dành riêng cho người Trung Quốc tại các điểm đến du lịch, người ta không khỏi phải lắc đầu ngao ngán. Thiếu đi chính khí hạo nhiên của cổ nhân, Trung Hoa mộng này sẽ chỉ là một cơn ác mộng.

Trong khi những người Trung Quốc ở thượng tầng xã hội mơ tưởng về giấc mộng Trung Hoa, thì thực tế là tại đất nước này, thiên nhiên rên xiết, lòng người oán thán, phần lớn quan chức tham ô dâm loạn, những ai còn chút lương tri cũng thấy khó có thể ngẩng đầu khi ra ngoài thế giới văn minh.

Trải qua những cuộc vận động đẫm máu: cải cách ruộng đất, thủ tiêu tư sản, tiêu diệt trí thức, cách mạng văn hóa, thảm sát Thiên An Môn, đàn áp Pháp Luân Công, trấn áp Tân Cương, và mới đây nhất là chiến dịch triệt tiêu hoàn toàn tín ngưỡng tôn giáo, xã hội dưới thời Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hủy hoại và đè bẹp phẩm cách cao quý của con người Trung Hoa. Điều gọi là “phú quý bất năng dâm, bần hàn bất năng di, uy vũ bất năng khuất”, điều được gọi là “chính khí hạo nhiên” đã gần như biến mất trong dòng chảy hiện đại.

2.400 năm trước, Mạnh Tử từng nói: “Khí hạo nhiên là thứ quang minh chính đại nhất, mạnh mẽ vững vàng nhất, dùng liêm chính để bồi dưỡng thì không bị hao mất, có thể hiên ngang giữa trời đất. Khí hạo nhiên là thứ tương kết cùng Nghĩa và Đạo. Nếu đánh mất đạo nghĩa, khí hạo nhiên cũng sẽ biến mất theo. Khí hạo nhiên được bồi dưỡng thành nhờ vào thực hành đạo nghĩa bền bỉ, không phải hành nghĩa ngẫu nhiên nhất thời mà thành tựu được. Dưỡng thành không dễ, nhưng phá hoại lại rất dễ dàng, chỉ cần tâm bất chính là không còn gì hết.”

Nhưng ngày nay tại Trung Quốc, những cá nhân với chính nghĩa và đức tin, từ các luật sư nhân quyền, những nhà hoạt động, cho tới những người có tín ngưỡng như Phật giáo Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công, tất cả đều rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo. Tuy nhiên nhìn lại, họ chính là những người thắp sáng hy vọng cho một “Trung Hoa mộng” chân chính, nơi có nhân quyền, có tự do, có chính nghĩa, có sự thượng tôn trước hết là đạo đức rồi mới tới pháp luật.

Luật sư nhân quyền nổi tiếng Cao Trí Thịnh, người từng trải qua nhiều tra tấn thể xác và tinh thần trong nhà tù Trung Quốc vì dám đứng ra bảo vệ cho Pháp Luân Công, từng viết về lựa chọn chính nghĩa của mình như sau: “Tôi lựa chọn con đường này, bất chấp những hiểm nguy sẽ tới, bởi vì tôi cho rằng đó là nghĩa vụ của tôi khi là một con người và khi là một người dân Trung Quốc.” Đó chẳng phải là tinh thần chính đại cương trực, chính khí hạo nhiên của người xưa được truyền thừa tới ngày nay hay sao?

Đối với xã hội mà nói, hạo nhiên chính khí là vô cùng có lợi, có thể cảm hóa đến cả những người mang tội nghiệp nặng nề nhất. Sách sử kể rằng tháng Chạp năm Trinh Quán thứ 7, Đường Thái Tông thị sát nhà ngục lớn của triều đình, khi đó có 390 phạm nhân bị kết án tử hình đang chờ ngày xử trảm. Tất cả tử tù này đều đã qua trình tự ba lần tấu và năm lần phê chuẩn, đều là những đối tượng tội không thể tha, chết không oan. Nhưng khi đó Đường Thái Tông sinh lòng từ bi, hạ lệnh cho họ được phép về đoàn tụ với gia đình trong một năm, đến sau vụ thu hoạch năm sau phải quay lại xử trảm. Sau khi lệnh ban hành, các tử tù ai nấy vui mừng trở về nhà, lòng cảm tạ ơn vua. Đến tháng Chín năm sau, toàn bộ 390 người tử tù đều trở lại, không ai bỏ trốn. Cũng vì giữ đúng lời hứa mà cuối cùng họ được đặc xá toàn bộ. Đây có thể nói là: “Tâm chính, thân chính, hai bên chính, triều đình chính, thiên hạ chính”. Điều này mà không có chính khí hạo nhiên thì có làm được chăng? Đặt vào xã hội ngày nay thì có làm được chăng?

Đối với cá nhân mà nói, dưỡng chính khí hạo nhiên có thể giúp người ta đạt đến trạng thái “dù Thái Sơn sụp đổ trước mặt vẫn bình thản”. Thừa tướng Văn Thiên Tường triều Nam Tống khi bại trận bị bắt làm tù binh, bị giam ba năm hai tháng. Trong thời gian bị giam, nhà Nguyên dùng trăm phương ngàn kế khuyên, ép, dụ dỗ ông đầu hàng, nhưng ông thà chết không khuất phục, cuối cùng hiên ngang hy sinh ở tuổi 47, để lại tác phẩm “Chính khí ca”, trong đó có hai câu thơ lưu danh sử sách: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”, “Đời người xưa nay ai không chết? Lưu lại lòng son rọi sử xanh”. Sau này hoàng đế Càn Long từng đánh giá về Văn Thiên Tường là: “Tấm lòng trung trực không từ khoảnh khắc nhất thời mà bền bỉ kiên định, hạo nhiên chính khí sáng như mặt trời và mặt trăng. Người ấy khát khao gieo đại nghĩa trong thiên hạ, không bị động tâm chuyện thành bại lợi lộc”.

Nhà tâm học Vương Dương Minh còn nói: “Tâm hồn của người trần tục giống như chiếc gương đồng bị rỉ sét, phải thường xuyên mài giũa để loại bỏ rỉ sét, sau đó lại phải lau sạch bụi bẩn, như vậy mới thấy bản chất thật của mình. Muốn bản thân tràn đầy chính khí, cách tốt nhất là giữ cho đôi mắt hướng vào bản thân chứ không hướng vào người khác, không ngừng tự kiểm điểm bản thân, tra xét và sửa lỗi, làm cho thân tâm thiện lương, thực hiện thường xuyên như vậy thì chính khí tràn đầy, tà không thể xâm nhập!”

Muốn dưỡng chính khí hạo nhiên thì phải hợp với đạo nghĩa. Đạo nghĩa của Nho gia là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”; đạo nghĩa mà Phật gia chỉ dạy là “Thiện”; đạo nghĩa mà Đạo gia chỉ dạy là “Chân”.… Đó đều là những giá trị phổ quát mà con người hướng tới và mong chờ, những giá trị mà người có tín ngưỡng cho rằng là tiêu chuẩn của Thần, của Phật, của Chúa… đặt định cho nhân thế. Điều hợp đạo nghĩa là đúng, là thiện, là chính; trái lại là sai, là ác, là tà. Ứng xử theo đạo nghĩa, tích lũy đạo nghĩa theo thời gian, hạo nhiên chính khí sẽ ngày càng tràn đầy.

Cổ nhân có câu “nhất chính áp bách tà”, điều này không chỉ đúng trong mối quan hệ giữa người với người, mà còn rất được coi trọng trong việc dưỡng sinh trường thọ. Người Trung Quốc ngày nay không chú trọng gìn giữ phẩm cách, buông thả cầu lạc, vì lợi ích cá nhân mà không từ thủ đoạn, tự mình hủy hoại chính khí của bản thân, từ Đông y mà xét là khiến tà khí dễ dàng xâm nhập, từ đó bệnh tật đeo bám, khí đổi gió lay là nhức đầu cảm mạo. Thay vì đề cao hạo nhiên chính khí cho bản thân, trị tận gốc tâm bệnh, thì lại lệ thuộc vào y học hiện đại, tạo nên vòng tuần hoàn mệt mỏi.

Từ xã hội cho tới cá nhân, không coi trọng giá trị phổ quát, không chú tâm nuôi dưỡng chính khí hạo nhiên thì sẽ dẫn đến sự bất ổn. Khi vấn đề xảy ra trên quy mô lớn thì chính quyền độc tài lại tìm những biện pháp bề ngoài để trấn áp, khiến pháp luật ngày càng nặng nề, nhưng ung nhọt lại ngày càng nhiều hơn, không khác gì một con bệnh không thể nào chữa trị. Con bệnh không thể trị thì sẽ chết đi, nhưng nó sẽ để lại điều gì trong lòng người dân Trung Quốc, khi mà tâm linh của họ là một khoảng trống tràn đầy?

Ở thật sâu trong tâm thức, có lẽ mỗi người Trung Quốc đều đang hy vọng, hy vọng rằng thiên tính thiện lương, chính khí hạo nhiên sẽ trở về bên trong họ, cũng như luật sư Cao Trí Thịnh từng bày tỏ:

“Bất hạnh lớn nhất của chúng ta là sống tại Trung Quốc vào giai đoạn lịch sử này. Không ai trên thế giới đã từng trải qua hay chứng kiến những khổ đau mà chúng ta đang phải chịu đựng.

Nhưng may mắn lớn nhất của chúng ta cũng lại là sống tại đây, trong giai đoạn lịch sử này. Vì chúng ta sẽ trải qua và chứng kiến những con người vĩ đại vượt trên khổ đau, một lần và mãi mãi!”

Blogger Thuận Nhân

Xem thêm:

Mời xem video: