Trong 12 con giáp thì có 11 con là những loài vật thông thường, rất thân thuộc với con người, ai cũng dễ dàng bắt gặp. Nhưng con rồng thì lại là sinh vật bí ẩn, ngày nay được cho là không tồn tại trong thế giới hiện thực. Trong quan niệm của người hiện đại thì rồng, kỳ lân, phượng hoàng của phương Đông và nhân ngư, ngựa một sừng của phương Tây là loài không có thực, chỉ là sinh vật huyền ảo tưởng tượng mà thôi.

Hình tượng rồng Việt Nam qua các thời đại
Hình tượng rồng tại Huế. (Ảnh: AJ Oswald, Wikipedia, CC BY-SA 1.0)

Tuy nhiên một điều đáng ngạc nhiên là từ xưa đến nay, tại khắp các quốc gia phương Đông và một số quốc gia kề cận, hình tượng của con rồng là hầu như thống nhất, không thay đổi. Vô luận là ở trong miếu thờ, cung điện, sách vở, hội họa hay điêu khắc thì hình tượng con rồng đều được mô tả tương đối giống nhau. Hơn nữa, trong tác phẩm điêu khắc thì hình tượng con rồng được trạm khảm rất chi tiết, tỉ mỉ và rõ ràng. Sừng của con rồng giống như sừng của con hươu. Vảy của con rồng giống như vảy của cá chép. Móng vuốt của nó giống như móng vuốt của chim ưng, còn thân lại giống như thân rắn.

Vài di vật rồng Việt Nam qua các triều đại
Rồng thời Lê: góc mái đình chùa (thế kỷ XVIII). Hình ảnh trích từ bài viết Vài di vật rồng Việt Nam qua các triều đại của tác giả Võ Quang Yến đăng trên Forum Diễn Đàn (diendan.org). (Creative Commons BY-NC-ND 3.0 France.)

Một loài sinh vật tưởng như hư ảo nhưng lại hiện ra rất chân thật như vậy, khiến cho con người vừa tò mò lại vừa hoài nghi. Thời cổ đại có nhiều câu chuyện và ghi chép về loài vật này. Ngay cả các bộ chính sử cũng có đề cập đến việc “rồng xuất hiện ở nhân gian”.

Trong “Hoa dương quốc chí” ghi chép lịch sử từ thời Hán đến thời Tấn có viết rằng, vào năm Kiến An thứ 24 thuộc triều Đông Hán, một con rồng vàng xuất hiện ở Xích Thủy, Vũ Dương. Nó đã ở đó trong suốt 9 ngày rồi mới rời đi. Về sau, một đền thờ và một bia đá được dựng lên trong đền thờ để ghi lại sự xuất hiện của con rồng này.

Trong cuốn “Tấn thư”, phần “Tái ký đệ cửu” có ghi: Vào tháng 4, năm Vĩnh Hòa thứ nhất, triều Đông Tấn, hai con rồng, một trắng và một đen, xuất hiện ở núi Long Sơn. Hoàng đế nước Yên là Mộ Dung Hoảng khi nghe được tin này đã dẫn các quan trong triều lên ngọn núi này và tổ chức một lễ tế cách chỗ hai con rồng khoảng 200 thước. Hai con rồng này cuộn vào nhau trên không trung. Chúng vờn nhau và bay lượn trên không trung một khoảng thời gian rất lâu rồi mới bay đi.

Hoàng đế Mộ Dung Hoảng sau khi xem xong cảnh ấy, cho rằng đây là Trời báo điềm lành nên trong lòng vô cùng vui sướng, vì thế đã lập tức ban lệnh đại xá. Đồng thời ông còn đặt tên cho cung điện mới xây là Long cung. Về sau, ông còn cho xây dựng ngôi chùa Long Tường (rồng bay lượn) trên núi Long Sơn để ghi nhớ sự việc này.

Trong “Tuyên thất chí” triều nhà Đường có ghi chép về một lần con rồng xuất hiện và có rất nhiều người dân được chứng kiến cảnh ấy.

“Ký sự bổ sung của triều Đường” đã ghi chép rằng vào một ngày trong năm cuối của niên hiệu Hàm Thông thời Đường Hy Tông có một con rồng đen đã rơi xuống mặt đất trong vùng lãnh thổ của huyện Thông Thành, và chết ở đó vì một vết thương trên cổ. Chiều dài đầy đủ của con rồng đo được là khoảng 30 mét, một nửa số đó là đuôi. Cái đuôi của nó hình phẳng, vảy của nó như vảy cá, trên đầu có 2 cái sừng. Râu của nó mọc bên cạnh miệng dài khoảng 6m. Chân của nó mọc ra từ dưới bụng, có một lớp màng màu đỏ che phủ.

Một con rồng đã chết được tìm thấy bên bờ hồ Thái Bạch vào năm Thiệu Hưng thứ 32, triều Nam Tống. Nó có râu dài và những cái vảy rất lớn, cái lưng màu đen và cái bụng màu trắng. Những cái vây mọc ra từ lưng, và hai cái sừng mọc ra ở đầu. Nó bốc mùi xa hàng dặm. Những người địa phương đã phủ nó lại bằng một tấm chiếu. Quan lại đã cho người đến làm lễ cúng tế tại đó. Tuy nhiên, sau một đêm sấm sét dữ dội, con rồng đã biến mất, chỉ còn lại một cái mương nơi nó đã nằm.

Phần “Ngũ hành” trong “Biên sử của triều Nguyên” viết rằng: Vào tháng 7 năm Chí Nguyên thứ 27, có một con rồng xuất hiện gần núi Long Sơn ở huyện Lâm Tùng, tỉnh Sơn Đông. Con rồng có khả năng làm cho một tảng đá lớn (theo đơn vị ngày nay thì nặng khoảng nửa tấn) lơ lửng trên không trung.

Các sách lịch sử địa phương của triều Minh và triều Thanh cũng có chép những trường hợp nhìn thấy rồng. Theo “Ký sự về thiên triều Lâm An”, năm Sùng Trinh thứ 4, một con rồng lớn đã được nhìn thấy trên hồ Kỳ Long, phía đông nam huyện Thạch Bình, tỉnh Vân Nam. Bản ghi chép đã viết: “Râu, chân, và vảy của con rồng nổi trên mặt nước, và con rồng dài khoảng vài chục mét”. Con rồng này có thể đã xuất hiện nhiều lần ở núi Long Sơn và hồ Kỳ Long, do đó tên của những địa danh này cũng gắn liền với loài rồng.

“Ký sự về Huyện Nghĩa” của triều đại nhà Thanh viết: Vào năm Hồng Di, triều Minh, ở phía bắc cổng thành của huyện Nghĩa, tỉnh Hà Nam có 5 con rồng đã bay lượn trên không trung. Sau một lúc lâu ở trên cao, chúng rơi xuống đất, và không thể bay lên lại được nữa. Mây kéo đến đầy trời, biển bắt đầu nổi sóng và trời trở nên tối mịt. Những đám mây lớn và sương mù dày đặc xuất hiện trở lại. Cuối cùng khi bầu trời sáng thì năm con rồng đã biến mất.

Phần “Những hiện tượng kỳ lạ và hiếm thấy” trong “Ký sự về thiên triều Gia Tĩnh”, cũng kể một câu chuyện tương tự: Vào tháng 9 năm 1588, một con rồng trắng đã được phát hiện trên hồ Bình thuộc huyện Bình Hồ, tỉnh Chiết Giang. Nó đã bay lượn trên mặt hồ, chiếu sáng cả một khoảng trời với ánh sáng đỏ.

Phần “Những hiện tượng kỳ lạ và hiếm thấy” trong “Ký sự về thiên triều Tống Giang” đã ghi chép một sự việc được chứng kiến xảy ra 20 năm sau sự kiện con rồng trắng được trông thấy ở huyện Bình Hồ. Vào tháng 7 năm 1608, một con rồng trắng giống như con rồng xuất hiện trên hồ Bình đã được nhìn thấy trên sông Hoàng Phố thuộc địa phận huyện Tống Giang.

“Thất Kinh Thư” của Long Anh chép rằng vào một ngày trong năm cuối cùng của niên hiệu Thành Hóa, thời Minh Hiến Tông, một con rồng đã rơi xuống trên bãi biển huyện Tân Thủy, tỉnh Quảng Đông. Nó đã bị những người dân chài địa phương đánh chết. Con rồng này dài hàng chục mét và trông rất giống con rồng trong những bức tranh cổ chỉ trừ cái bụng của nó màu đỏ.

“Biên sử về Thiên triều Vĩnh Bình” chép rằng, vào mùa hè năm Đạo Quang thứ 19, nhà Thanh, một con rồng đã rơi từ trên trời xuống vùng hạ lưu sông Luân Hà, ở huyện Lao Đình. Người dân địa phương làm một cái mái che để bảo vệ nó khỏi nắng, và phun nước lên người nó. Ba ngày sau, sau một đêm giông bão, con rồng đã bay đi.

Rồng có liên quan mật thiết đến thiên tượng và thời tiết. Vì vậy, mỗi lần rồng xuất hiện thì trời sẽ muốn mưa hoặc có thời tiết dữ dội. Điều này cũng phù hợp với truyền thuyết Thần thoại kể về việc Long Vương phụ trách việc mưa lũ nơi thế gian con người.

Có ghi chép nói rằng, khi rồng xuất hiện tại nhân gian thì những người thợ thủ công đã chính mắt nhìn thấy, từ đó họ điêu khắc ra rồng theo trí nhớ của mình.

Người cổ đại cho rằng, rồng là loài vật có khả năng ẩn hình, trừ khi chúng nguyện ý hiện hình cho con người chứng kiến hoặc có trường hợp nguy hiểm đến sinh mệnh ra, thì con người sẽ không có khả năng nhìn thấy chúng. Cho nên, người xưa tin rằng mỗi lần rồng xuất hiện thì sẽ có đại biến đổi ở thế gian, sử sách của địa phương hay triều đình phải kịp thời ghi chép, Hoàng đế và dân chúng cũng tổ chức tế lễ Trời đất để tỏ lòng kính ngưỡng của mình.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: