Trong quân Tây Sơn, nổi bật nhất là đôi vợ chồng hào kiệt Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Họ đã nên duyên từ kỷ niệm lần đối mặt với hổ dữ. Sau này cả hai vợ chồng lại góp công lớn cho triều đình Tây Sơn. Thế rồi họ kiên tâm chống giữ nhà Tây Sơn cho đến tận giây phút cuối cùng.

Đôi vợ chồng hào kiệt Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân - P1
Tượng thờ Trần Quang Diệu trong Điện thờ Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Vua Quang Trung là một người tài giỏi làm nên nhà Tây Sơn, có tài cầm quân mà thắng nhiều trận lớn. Tuy thế nhà Tây Sơn không được lòng dân, thường xuyên cướp bóc và dọa giết dân để tuyển quân số. Khi vua Quang Trung mất, bên trong thì triều đình Tây Sơn mâu thuẫn, bên ngoài thì lòng dân oán thán, nhà Tây Sơn dần mục nát.

Hai vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân không chỉ là những người nhân nghĩa mà còn là bậc hào kiệt hiếm có của triều Tây Sơn. Trong cảnh đất nước loạn lạc, không biết đâu mới là minh chủ, họ tìm đến đầu quân cho Tây Sơn từ rất sớm, lập nhiều công trạng. Sau đó, dù biết không thể cứu vãn nổi triều đại Tây Sơn, họ vẫn giữ tấm lòng trung, tận lực chống giữ nhà Tây Sơn đến cuối cùng.

Câu chuyện về bậc hào kiệt nhân nghĩa đầy khí phách vẫn lưu truyền mãi cho đến hôm nay.

Mối nhân duyên khi đối mặt với hổ dữ

Trần Quang Diệu vốn có tên từ nhỏ là Trần Văn Đạt, người ở làng An Hải (trước thuộc huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam; nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng).

Lúc nhỏ ông mê học võ và học nhiều thầy, vì thế mà không thật sự tinh thông môn nào. Lớn lên, trong một lần đi săn tại núi Kim Sơn ở Hoài Ân, Trần Quang Diệu gặp được một ông lão tên là Diệp Đình Tòng. Ông lão vì can tội giết chết một viên tri huyện tham ô, mà phải cùng vợ con trốn vào đây.

Ông Tòng là người rất giỏi võ, thông thạo 5 loại binh khí là đao, kiếm, côn, thương và cung. Trần Quang Diệu muốn học võ nên tôn ông lão làm sư phụ. Vì trước đó đã học qua nhiều thầy nên Trần Quang Diệu thích và chọn học đao. Sau 5 năm học đạo thuật thì ông Tòng qua đời.

Trước đó, người dân Đàng Trong sống rất sung túc dưới thời Chúa Nguyễn, nhưng từ khi quyền thần Trương Phúc Loan nổi lên thì người dân lâm vào cảnh lầm than đói khổ, nhiều người nổi dậy. Nhận thấy cuộc khởi nghĩa Tây Sơn có khẩu hiệu ban đầu là “diệt Trương Phúc Loan, phò Chúa Nguyễn”, hợp với tâm ý của mình, Trần Quang Diệu liền đến Bình Định gia nhập quân Tây Sơn.

Nhưng đến vùng núi Thuận Ninh (Tây Sơn, Bình Định), Trần Quang Diệu bất ngờ bị cọp dữ tấn công. Con cọp hung dữ mà Trần Quang Diệu lại không có đao bên mình, nên phải tay không chống hổ. Thời gian lâu dần ông xuống sức, lại bị thương, máu chảy ướt đẫm áo.

Trong lúc sức lực cạn dần, tưởng chừng khó thoát khỏi nanh vuốt hổ dữ thì bất ngờ một người con gái khoảng đôi mươi tình cờ đi ngang qua. Thấy tráng sĩ đang cố thoát khỏi nanh vuốt của hổ thì cô liền rút kiếm để ánh nắng chiếu vào kiếm rồi chiếu vào mắt hổ. Con hổ bị kích thích liền quay lại tấn công, thế nhưng cô gái nhẹ nhàng tránh được.

Lúc này Trần Quang Diệu sức cạn, chỉ biết lo lắng nhìn cô gái đối mặt hổ dữ. Thế nhưng rất kỳ lạ là lần nào hổ vồ cô gái cũng nhẹ nhàng tránh được, đồng thời xoay kiếm chém 1 nhát lên mình nó. Động tác tránh hổ cũng rất nhẹ nhàng, thủ pháp không hề rối loạn, dù con hổ có thay đổi tấn công kiểu gì thì cô gái vẫn tựa như không.

Trần Quang Diệu từ lo lắng đến thích thú quan sát kỹ. Ông nhận thấy mỗi lần hổ tấn công đều có động tác đập đuôi xuống đất, sau đó liền nhảy lên vồ mồi. Cô gái này đã biết chính xác thói quen đó, vì thế mỗi lần hổ đập đuôi thì đã chủ động tránh rồi. Con hổ không sao vồ được.

Con hổ không vồ được mồi lại trúng kiếm, nhanh chóng xuống sức phải bỏ đi. Cô gái liền đến băng vết thương cho tráng sĩ. Hai người lúc này mới hỏi thăm và quen biết nhau. Người con gái ấy chính là Bùi Thị Xuân.

Nên duyên vợ chồng

Bùi Thị Xuân đưa Trần Quang Diệu về nhà mình để trị thương. Tại đây Trần Quang Diệu mới biết thêm phần nào xuất thân của cô gái đã cứu mình.

Bùi Thị Xuân người làng Xuân Hòa (Bình Định), nổi tiếng khắp nơi về sắc đẹp, võ thuật và chữ viết. Lúc nhỏ cô gái này chỉ thích làm con trai múa võ, vì thế khi đi học thường hay mặc áo con trai đến lớp.

Nguyễn Văn Trương
Tượng Bùi Thị Xuân tại điện thờ ở Bảo tàng Quang Trung, Bình Định. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

Năm 12 tuổi một lần mặc áo con trai đi học, chúng bạn trong lớp cố ý giễu cợt, ra câu đối “ngoài trai trong gái, dưa cải dưa môn”, có người đối lại “Đứng xuân ngồi thung, lá vông lá chóc”.

Cả lớp cười ầm lên, Bùi Thị Xuân hổ thẹn trở về nhà, từ đấy không đến lớp nữa mà chuyên tâm học võ.

Sách “Nhà Tây Sơn” của Quách Tấn – Quách Giao chép rằng:

Đêm đêm có một bà lão đến dạy võ cho Bùi Thị Xuân. Dạy từ đầu hôm đến gà gáy lần một thì bà lão ra về. Suốt 3 năm trời, trừ những hôm gió mưa, đêm nào bà lão cũng tới dạy võ cho bà.

Không chỉ giỏi võ nghệ mà Bùi Thị Xuân còn rất có duyên với voi. Trong sách “Võ nhân Bình Định” có ghi chép lại rằng:

Một hôm, lên chợ Phú Phong, Bùi Thị Xuân thấy hai thớt voi đứng ăn cây chuối. Bà đến gần, voi bỗng lấy vòi cạ lên lưng, chân tỏ vẻ trìu mến. Khi ra hiệu xin cưỡi thử, voi co một chân lên cho bà leo lên cổ, rồi theo sự điều khiển của bà.

Bùi Thị Xuân càng lớn thì càng xinh, nức tiếng khắp vùng. Trai tráng quyền quý tứ phương kéo đến thì thấy người con gái này không chỉ đẹp mà còn rất uy nghi, trước đó lại nghe nói người con gái này rất giỏi võ, nên nhiều trai tráng gặp mặt thì “run như thần tử thấy long nhan”.

Vì thế nhiều người vừa gặp mặt thì đã lùi khỏi ngõ. Có người thì Bùi Thị Xuân hỏi một ít kiến thức về văn võ không trả lời được mà tự rời đi.

Sau khi gặp Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân biết được ông là đệ tử của võ sư Diệp Đình Tòng, đang trên đường tìm đến với nghĩa quân Nguyễn Nhạc thì không may gặp hổ dữ. Nhận thấy đây là người cùng chí hướng với mình, Bùi Thị Xuân đã dẫn đường cùng Trần Quang Diệu đến ra mắt chủ tướng Nguyễn Nhạc.

Nguyễn Nhạc nghe tiếng về Bùi Thị Xuân đã lâu, nay lại đến đầu quân thì mừng rỡ. Thế rồi nhờ Nguyễn Nhạc làm chủ hôn, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đã nên duyên vợ chồng. Từ đó họ đã sát cánh bên nhau, cùng quân Tây Sơn ra Bắc vào Nam lập nhiều công lớn.

  • (Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: