Cổ ngữ nói: “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân”, trong văn hóa truyền thống, giữa vợ chồng ngoài tình cảm ra còn là trách nhiệm quan tâm lẫn nhau. Người có đạo đức thời xưa, đã làm vợ chồng rồi thì sẽ không xa rời, điều ấy thể hiện ân nghĩa, cũng thể hiện sự trân quý mối nhân duyên vợ chồng. 

Cổ nhân coi trọng nhân duyên vợ chồng, không dễ dàng từ bỏ
(Tranh minh họa: Họa sĩ Lữ Kỷ, thời Minh, Metropolitan Museum of Art)

Vào thời Xuân Thu, Cơ Trùng Nhĩ (sau này là Tấn Văn Công, một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu) là công tử, con trưởng của vua Tấn Hiến Công, tuy nhiên không được lập làm Thái tử. Tấn Hiến Công bị Ly Cơ mê hoặc, muốn giết Cơ Trùng Nhĩ. Cơ Trùng Nhĩ chạy sang đất Địch là quê mẹ của ông. Tại đất Địch, Trùng Nhĩ được bảo vệ, được gả vợ là nàng Quý Ngỗi.

Sau khi Tấn Hiến Công qua đời, Tấn Huệ Công lên ngôi, e sợ tài năng và nhân cách của Trùng Nhĩ, sai sát thủ đi giết ông. Trùng Nhĩ hay tin, đành quyết định bỏ nước Địch. Trước khi đi, ông nói với vợ: “Ta lần này đi không biết khi nào mới có thể trở về. Nàng có thể đợi ta 25 năm, nếu không thấy ta quay về thì hãy tái giá với người khác”.

Vợ của Trùng Nhĩ, bấy giờ đã 25 tuổi, nghe xong những lời ấy, liền cười nói: “Đợi 25 năm sao, lúc ấy cây bách trên mộ của thiếp cũng đã lớn rồi. Nhưng dẫu có như vậy đi nữa thì thiếp vẫn cứ chờ đợi chàng.” Câu nói này của Quý Ngỗi là có hàm ý nàng sẽ đợi chồng đến chết. Bởi vậy tấm lòng thủy chung của nàng được người đời sau ca ngợi. Sử ký của Tư Mã Thiên cũng dành chỗ để chép lại câu chuyện này.

Thời Bắc Tống có một nho sinh tên là Lưu Đình Thức, là người Tề Châu. Sau khi thi đậu tiến sĩ, Lưu Đình Thức được phái đến Mật Châu làm Thông phán quan, đúng vào thời gian Tô Đông Pha làm quan Thứ sử ở vùng này. Tô Đông Pha rất quý trọng nhân phẩm của Lưu Đình Thức, đặc biệt xem trọng ông, bởi vậy mọi người đều cho rằng Lưu Đình Thức rất có tiền đồ.

Trước đây, khi Lưu Đình Thức còn chưa thi đậu tiến sĩ, đã từng đính hôn với một cô gái ở quê nhà, chỉ là chưa đưa sính lễ thành thân. Nhưng đúng vào lúc Lưu Đình Thức thành danh, cô gái kia lại lâm trọng bệnh, dẫn đến cả hai mắt đều bị mù. Cha mẹ cô gái là nông dân, chỉ làm ruộng, gia cảnh bần hàn, vì thế không còn nhắc đến chuyện hôn nhân với nhà họ Lưu nữa.

Trong số bạn bè của Lưu Đình Thức có người khuyên anh ta từ hôn, hoặc lấy cô em gái nhà đó. Tuy nhiên Lưu Đình Thức trả lời:

“Năm đó, ta đính ước với cô ấy là đã hứa giao tình cảm chân thành cho cô ấy rồi. Nay tuy cô ấy bị mù nhưng tấm lòng của cô ấy vẫn tốt. Giờ nếu ta làm trái lại với tâm nguyện trước đây, nghĩa là cái tâm của ta đã bị biến thành xấu xa. Hơn nữa, ai rồi cũng đến tuổi già, khi vợ già hương sắc tàn phai, chúng ta cũng không thể nào bỏ đi lấy cô gái trẻ đẹp được đúng không? Con người cần biết giữ thành tín, không được thay lòng đổi dạ.”

Về sau, hai người họ đã kết hôn như lời hẹn ước. Sau khi kết hôn, Lưu Đình Thức luôn hết lòng chăm sóc người vợ mù lòa của mình. Hai vợ chồng sống hòa thuận vui vẻ, tình cảm đằm thắm, sinh hạ và cùng nhau nuôi dưỡng mấy người con, thật xứng với mối nhân duyên – lương duyên vợ chồng.

Sau khi Tô Đông Pha biết sự việc này thì trong lòng vô cùng cảm phục Lưu Đình Thức. Ông nói: “Lưu Đình Thức thật là người có tình cảm chân thành, cao thượng!”

Thời Tam Quốc cũng có một câu chuyện đáng suy ngẫm như vậy. Hứa Doãn là một quan viên của nước Ngụy, được làm mối với con gái của một Vệ úy họ Nguyễn. Thời bấy giờ việc kết hôn nhiều khi là do sắp xếp, do mai mối, chứ cả hai đều chưa hề biết mặt nhau.

Đến khi làm lễ cưới rồi, Hứa Doãn mới phát hiện ra cô dâu có bộ dạng xấu xí, nên sau khi nghi thức hôn lễ kết thúc, Hứa Doãn tìm mọi lý do để không động phòng. Sự tình này khiến người nhà của ông vô cùng lo lắng. Đúng lúc ấy Đại tư nông Hoàn Phạm tới nhà chơi, Hứa Doãn bèn ở bên ngoài phòng cùng Hoàn Phạm nói chuyện. Trong lòng Hứa Doãn buồn bã nên có ý cùng Hoàn Phạm ôn lại những kỷ niệm cũ của hai người.

Biết tâm tình của Hứa Doãn, Hoàn Phạm khuyên bảo: “Nguyễn gia gả con gái cho huynh, chắc chắn cô ấy có chỗ hơn người, huynh nên cẩn thận quan sát một chút!”

Hứa Doãn mang tâm trạng không tình nguyện bước vào phòng, đợi đến lúc khăn che đầu của cô dâu được mở ra, Hứa Doãn trong lòng thất vọng vô cùng, lập tức chạy ra khỏi phòng. Vợ của Hứa Doãn biết rằng nếu lúc ấy Hứa Doãn chạy ra khỏi phòng thì sẽ không trở lại nữa nên lập tức đứng dậy nắm lấy vạt áo của chồng.

Hứa Doãn hơi bất ngờ, nói với vợ: “Phụ nữ có tứ đức, nàng có được mấy?” Vợ của Hứa Doãn đáp lại: “Trong tứ đức này, thiếp chỉ thiếu mỗi dung mạo xinh đẹp mà thôi. Nhưng kẻ sĩ có bách hạnh, chàng có được mấy?”

Hứa Doãn trả lời: “Ta có đủ cả”. Vợ của Hứa Doãn lại nói: “Trong bách hạnh coi trọng nhất là đức hạnh, chàng thích sắc đẹp mà không thích đức hạnh, sao có thể nói là có đủ cả được?”

Hứa Doãn nghe xong thì cảm thấy xấu hổ, biết vợ là người tài đức sáng suốt, càng chợt nhớ ra ý nghĩa của hôn nhân, nên trở nên khiêm tốn kính trọng. Từ đó hai vợ chồng họ cùng yêu thương lẫn nhau, sống đầm ấm hòa thuận.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, chuyện tự do phóng túng, dễ dàng buông tay, dễ dàng phản bội nhau có thể nói là không thiếu. Những điều này thực sự là quá khác biệt với tâm thái trân quý nhân duyên và trân trọng tình nghĩa vợ chồng của người xưa.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: