Vì sửa điểm mà Tiến sĩ Ngô Sách Tuân mặc dù là bậc đại khoa, công thần của triều đình đương thời vẫn bị thắt cổ chết.

Ngô Sách Tuân (1648-1697) là người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng bậc nhất lúc bấy giờ. Bản thân gia đình Ngô Sách Tuân có cha và anh trai cùng đỗ tiến sĩ và làm quan to trong triều.

Ông đỗ tiến sĩ năm Bính Thìn (1676) đời Lê Hy Tông khi 29 tuổi, làm quan thời vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn, từng được thăng tới chức Hữu thị lang bộ Lại. Khi trấn giữ vùng Lạng Sơn, ông đã lập công lớn trong việc dùng mưu bắt được dư đảng nhà Mạc lẩn tránh tận Trung Quốc.

Nhưng chỉ vì một sai lầm trong việc chấm bài thi mà cuộc đời cũng như danh tiếng của ông đã tiêu tan thành bọt nước. Không những phải mất mạng, Ngô Sách Tuân còn để lại một “vết đen” trong lịch sử khoa bảng nước nhà.

Screenshot 6
Các thí sinh đi vào trường thi Nam Ðịnh (năm 1897), họ phải tự làm lều và đặt chõng để viết bài. (Ảnh: Public Domain)

Chuyện bắt đầu từ tháng 7-1694, Ngô Sách Tuân tố cáo Tham tụng Lê Hy lên triều đình về chuyện ông này lén lút đưa người con là Lê Thuyên và học trò là Tô Hinh vốn không có năng lực vào quan trường. Sự việc được tấu trình lên nhưng nhà vua xét thấy không đủ bằng cớ để kết tội Lê Hy nên đã giáng chức Ngô Sách Tuân. Hai người giữ mối hiềm khích kể từ đó.

Sau này, khi Ngô Sách Tuân giữ chức Phó chủ khảo trường thi ở Thanh Hóa thì trước khi đi ông có đến yết kiến Lê Hy.

Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (quyển 34) chép lại nội dung câu chuyện này như sau:

Lê Hy bèn đem hình dáng giấy đóng quyển thi của các con mình cho Sách Tuân biết.

Nhưng, sau vì thấy quyển thi của các con Lê Hy không được xếp vào hạng trúng cách Sách Tuân muốn nhân dịp này xoá mối hiềm khích với Lê Hy, bèn lấy quyển thi của con Lê Hy đưa cho các quan giám khảo, bảo họ phê lấy đỗ.

Quan Đề điệu trường thi này là Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện, có thề với Sách Tuân là sẽ giấu kín việc này nhưng quan Tham chính Thanh Hóa là Phan Tự Cường phát giác được, tâu lên.

Triều đình giao cho các quan văn võ họp bàn, khép Ngô Sách Tuân vào tội giảo (bắt phải thắt cổ mà chết), Ngô Hải vì không biết lòng chính trực nên bị bãi chức, các quan giám khảo và phúc khảo đều bị phạt, còn Tự Cường được thăng chức Thiêm đô ngự sử.

Chép xong chuyện này, các sử gia thời Nguyễn đã có Lời cẩn án rất sắc sảo như sau:

Lê Hy làm Tể tướng một nước, thế mà gởi gắm con mình cho viên quan giữ việc chấm thi và Sách Tuân xu nịnh với riêng bậc đại thần mà mình nhận lời kí thác, đặt trong phép nước mà xét thì tội hai người như nhau, vậy mà chỉ mình Sách Tuân bị trị còn cha con Lê Hy thì không ai xét hỏi gì đến, như thế thì còn gọi là phép nước làm sao được nữa!

Phan Tự Cường biết hạch tội Sách Tuân mà không một lời nào đả động đến Lê Hy, thế thì so với người nịnh hót Lê Hy cũng chẳng hơn kém nhau bao nhiêu vậy. Tự Cường cũng cùng một loại với Sách Tuân mà thôi.

Có lời bình rằng:

Có mỗi một khoa thi Hương, kẻ đỗ cao nhất cũng chỉ là Cử nhân, vậy mà hỏng một cách thảm hại lại là bốn vị Tiến sĩ lừng danh: Lê Hy, Ngô Sách Tuân, Phan Tự Cường và Ngô Hải, nhục thay! Chư vị sử gia thời Nguyễn, sắc sảo thì quả là thật sắc sảo, song chừng như chư vị chỉ muốn mượn Lời cẩn án để kí thác chút tâm sự với thời cuộc đó thôi.

Tự cổ, búa rìu của phép nước vẫn giáng từ trên xuống, có đâu lại vung từ dưới lên, vung lên như thế, lỡ bay đầu Tể tướng, bay luôn đầu cả Chúa lẫn Vua, thiên hạ như gà con mất mẹ, biết nương tựa vào đâu. Vả chăng, vung lên lâu ngày quen tay thành tật, chư vị ngồi trong kinh thành, nhỡ bị họa lây thì lấy ai mà viết sử?

Kẻ hậu sinh này viết tới đây, ngẩn ngơ mà tình cờ dừng lại, ngắm mãi cái gì đen đen trong trang sử cũ, một lúc sau mới chợt nhận ra đó chính là xác Tiến sĩ Ngô Sách Tuân đang treo lủng lẳng, khô như một nét sổ của trang chữ Hán lạnh lùng. Mạo muội dịch ra quốc ngữ, lại nhìn kĩ lần nữa, thì chao ơi, cái xác treo lủng lẳng ấy bay vào trang đánh máy, chẳng khác gì cái dấu chấm than. Hóa ra, dấu chấm hết cuộc đời của Tiến sĩ Ngô Sách Tuân lại là dấu chấm than!

Tổng hợp theo bài viết “Dấu chấm hết cuộc đời Ngô Sách Tuân”
Theo Việt sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần
Đăng tại tạp chí Quê Hương Online (quehuongonline.vn)

Xem thêm:

Mời xem video: