Nhân tướng học không thể thay thế cho thiện tâm của con người. Người làm nhiều việc thiện thì cho dù là tướng xấu cũng trở thành tướng tốt, bạn bè lương thiện tự nhiên sẽ đến gần, và những việc tốt cũng sẽ tự nhiên tìm tới.

Trong cuốn “Phi Tương”, Tuân Tử viết: “Tướng nhân, cổ chi nhân vô hữu dã, học giả bất đạo dã”. Câu này có nghĩa là xem mặt người để đoán định tướng số, người xưa chẳng làm thế, người có học thức thời nay cũng không đàm luận. Đây là bởi vì nhân tướng học thời xưa vốn được xem là tiểu thuật, không phải là đại đạo tu luyện hay chính đạo trong xã hội, không thể khởi tác dụng gìn giữ đạo đức xã hội và cung cấp ý nghĩa nhân sinh cho con người.

"Nhân tướng học, cổ nhân chẳng làm thế"
(Ảnh minh họa: Pixeljoy, Boule, Shutterstock)

Người xưa có câu rằng: ”Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”, có nghĩa là phúc họa không có cửa, chỉ là do con người tự mình tìm đến mà thôi. Bên cạnh số mệnh vốn là điều khó có thể xét đoán, thì sự tốt xấu của cuộc sống là do chính tâm thái của chúng ta. Đó không phải là điều mà vẻ đẹp hình thức, hay vẻ đẹp nhân tướng, có thể thay thế được.

Nếu như thường xuyên làm điều tốt, giúp đỡ người khác, giữ cho mình một suy nghĩ tích cực, trong lòng không nghĩ đến điều sai quấy, thì tự nhiên vận tốt sẽ đến bên mình, hoặc chí ít thì cũng không có vận xấu đeo đuổi. Còn nếu một người thường xuyên làm chuyện ác, lòng dạ bất chính, thì vận xấu đương nhiên không mời cũng tới, có tránh cũng không thoát được.

Chính vì thế, thay vì để ý tới nhân tướng học của bản thân, hãy tự xét mình xem trong quá khứ có dùng thái độ không tốt để đối nhân xử thế hay không? Có vô tình hay hữu ý lừa gạt người khác hay không? Có đùn đẩy trách nhiệm hay cho rằng việc không liên quan đến mình hay không? Những chuyện gây tổn hại cho người khác như vậy dù lớn hay nhỏ thì đều không nên làm.

Thời xưa, những điều liên quan đến vận mệnh của người ta như nhân tướng học, phong thủy, thuật số, v.v. đều do những bậc cao nhân đức độ đảm trách, và những điều họ nói ra cũng thật sự đúng. Tuy nhiên đây là một học vấn mang tính đặc biệt, là công phu, không phải điều người thường có thể học và tổng kết được. Thông qua hình thức tâm linh đó mà các bậc hiền đức khuyên bảo con người làm điều ngay, theo lẽ phải, chứ không phải là chạy theo cái vỏ bề ngoài. Có rất nhiều câu chuyện khuyến thiện trong sách cổ thời xưa đều cho thấy rằng người làm điều ác thì nhân tướng học của họ tự sẽ thay đổi, và bản thân họ hay con cháu họ sẽ phải nhận lấy quả báo.

Trong quá trình truyền thừa mấy nghìn năm, các thế hệ cao nhân đức độ đã không còn, người sau này học được một vài tri thức bề mặt, nên không thể phán đoán chính xác được số mệnh của người khác nữa. Họ hầu hết chỉ có thể nói về một vài sự kiện có thể xảy ra, phần lớn là đã xảy ra trong cuộc đời người khác.

Người có vẻ ngoài dường như khó coi, nhưng hành vi ngay thẳng, quang minh chính đại, thì dù khi mới quen có thể không lập tức có ấn tượng tốt, nhưng càng tiếp xúc nhiều sẽ càng cuốn hút người ta. Người có vẻ ngoài đẹp đương nhiên sẽ tạo thiện cảm lúc mới gặp, nhưng nếu lòng dạ hẹp hòi thì chẳng mấy mà bị nhận ra, mà bị xa lánh.

“Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, người lương thiện đương nhiên sẽ thu hút nhiều bạn bè lương thiện. Người có thiện tâm, làm việc đại thiện, thì tướng xấu cũng trở thành tướng tốt, bạn bè tốt tự nhiên sẽ đến gần, và những việc tốt cũng sẽ tự nhiên tìm tới.

Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: