Trong cuộc sống hiện thực, vô luận thế nào thì người tốt và người xấu cũng khó có thể ở chung cùng nhau, bởi vì thiện ác phân minh, chính tà đối lập. Dù cho người tốt có nhường nhịn mãi thì cuối cùng giữa họ cũng sẽ xung khắc như nước với lửa. Đây cũng chính là điều phù hợp với đạo lý mà cổ nhân răn dạy: “Vật họp theo loài, người phân theo nhóm”.

Cổ nhân nhìn người: Vật họp theo loài, người phân theo nhóm
(Tranh minh họa: Trong bộ “Thập nhị nguyệt lệnh đồ”, thời Thanh, Bảo tàng Cố cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Tuy có câu nói rằng người xấu thường chơi chung với nhau, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” nhưng hai người xấu mà đi với nhau cũng khó có thể lâu dài, bởi vì một người xấu thì chắc chắn sẽ ích kỷ. Khi xuất hiện quan hệ về lợi ích thì giữa họ sẽ không ai nhường ai, cuối cùng mỗi người sẽ đi một ngả. Như thế xem ra chỉ có hai người tốt đi với nhau thì mới có thể lâu dài.

“Vật họp theo loài, người phân theo nhóm” có nguồn gốc từ câu “Phương dĩ loại tụ, vật dĩ quần phân” trong “Chu Dịch. Hệ từ thượng”. Câu nói có ý rằng những thứ cùng loại thường tụ về cùng một chỗ. Hiện nay, khi đọc câu này, người ta lại thường liên tưởng tới việc người xấu với người xấu sẽ đi cùng nhau.

Cổ nhân cũng nói: “Đạo bất đồng bất tương vi mưu”, ý tứ rằng những người không cùng chí hướng, quan niệm, không chung con đường thì không thể hợp tác, bàn luận với nhau được. Cho nên, “Vật họp theo loài, người phân theo nhóm” cũng là điều đương nhiên vậy.

Liên quan đến câu thành ngữ này, còn có các điển cố lịch sử như sau:

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, Vua Tề Tuyên Vương ra thông báo tìm kiếm hiền sĩ khắp thiên hạ để giúp ông trị vì Tề quốc. Có một hiền sĩ tên Thuần Vu Khôn, trong một ngày đã tiến cử cho vua 7 người có tài năng. Tề Tuyên Vương sau khi thông qua hỏi đáp thì thấy quả nhiên mỗi người đều có bản lĩnh cao cường.

Vua Tề Tuyên Vương cảm thấy rất kỳ quái mới hỏi Thuần Vu Khôn: “Ta nghe nói nhân tài rất khó tìm được, trong phạm vi ngàn dặm mà tìm được một hiền sĩ đã là không dễ dàng. Vậy mà khanh trong một ngày lại có thể tiến cử được những 7 hiền sĩ như vậy?”.

Thuần Vu Khôn nghe xong liền nói:

“Chim cùng loại sẽ ở cùng một chỗ, thú cùng loại sẽ đi chung một đường. Muốn tìm dược liệu là sài hồ và cát cánh, nếu như đi tìm ở nơi đất trũng thì cả đời cũng không tìm được. Nhưng nếu như đến vùng núi phía Bắc để tìm thì hai loại dược liệu kia dù có dùng xe để chở cũng không hết.

Đây là bởi vì sinh vật trong thiên hạ đều là cùng loại thì ở chung một chỗ. Thuần Vũ Khôn thần cũng có thể được xem như là một hiền sĩ, cho nên bệ hạ bảo thần tiến cử hiền sĩ thì cũng dễ dàng giống như là bảo đến sông múc nước, dùng đá lửa để đánh lửa vậy. Thần còn chuẩn bị tiến cử cho bệ hạ một đám hiền sĩ nữa, chứ đâu phải chỉ có bảy người này”.

Trong “Tân Tự. Tạp Sự” có ghi lại:

Vào thời Chiến Quốc, ở nước Sở có một người rất giỏi về xem tướng. Ông ta xem tướng cho người khác chưa sai bao giờ. Hơn nữa cách ông xem tướng cũng không giống với những người khác, người ta là căn cứ vào tướng mạo, vân tay mà phỏng đoán, còn ông có thể xem qua cách giao tế.

Vua Sở Trang Vương nghe nói có một người như thế, liền triệu mời ông đến, hỏi xem tại sao xem tướng như vậy lại có thể chuẩn xác được.

Ông ta trả lời:

“Thần không biết xem tướng, chỉ là xem cách giao tế của người ta. Với người dân thường, trong giao tế thể hiện sự hiếu thuận, kính nhường, thật thà, cẩn thận, kính sợ, tuân thủ mệnh lệnh, người như thế, gia cảnh và thân thể sẽ càng ngày càng an ổn, đây gọi là cát nhân.

Với người làm quan, trong giao tế đều rất thành tín, có thiện lương, người như thế, làm quan sẽ càng ngày càng thăng tiến, đây gọi là cát sĩ.

Một vị vua anh minh thì quần thần sẽ trung thành, hiền đức, dẫu vua có sai lầm, thì đều dám ngay chính mà can gián, như thế thì dân và nước tất sẽ an, vua ngày càng được tôn kính, thiên hạ ngày càng ấm no, đây là cát chủ.”

Sở Trang Vương nghe xong những lời này liền vui vẻ nói: “Hay lắm!”

Sau đó nhà vua liền hạ chiếu chiêu hiền nạp sĩ bốn phương, người hiền lại tiến cử người hiền, vậy nên mới có được hiền thần Tôn Thúc Ngao, Tử Trọng làm trợ thủ, cuối cùng thành tựu được bá nghiệp.

Thủy tổ của Nho Giáo là Khổng Tử vô cùng coi trọng sự ảnh hưởng của bạn bè trong quá trình trưởng thành của một cá nhân. Vì thế, ông đã dạy học trò của mình khi giao hảo bằng hữu, không nên kết giao với những người không tốt.

Khổng Tử nói: “Trên thế giới này có ba loại bạn tốt có thể trợ giúp cho chính mình, là người thẳng thắn, người bao dung, người hiểu biết”. Nói cách khác, kết giao với ba kiểu người này thì bản thân sẽ thu được rất nhiều lợi ích.

Một người kết giao với bạn thế nào, chính là trực tiếp phản ánh ra cách làm người của người đó. Cổ nhân thông qua cách kết giao bạn bè của một người, cùng với quan sát thái độ ứng xử với bạn bè như thế nào, là đủ để phán đoán một người là tốt hay xấu rồi. “Vật họp theo loài, người phân theo nhóm”, phương pháp nhìn người này của cổ nhân đối với người hiện đại mà nói cũng rất đáng để học tập.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: