Trong văn hóa truyền thống, “vô dục tắc cương” (không có dục vọng thì sẽ mạnh mẽ kiên cường) là một cảnh giới tinh thần cao thượng. Một người nếu ít dục vọng thì tâm sẽ an, nhân phẩm sẽ giống như cây tùng, cây bách, mặc cho mây đen xoay vần, vũ bão quay cuồng cũng vẫn vĩnh viễn đứng thẳng trong thế gian mà không bị gục ngã. Cũng bởi vậy mà người “vô dục” mới là người mạnh mẽ nhất.

Cần kiệm thành đại sự
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

Cổ nhân đối với việc đánh giá một người có phải là ngay chính, cương trực, mạnh mẽ hay không, thì không dựa vào hành vi và lời nói của người đó mạnh mẽ như thế nào, mà nhìn vào khả năng tiết chế dục vọng của người ấy là lớn hay nhỏ.

Trong Luận Ngữ, thiên “Công dã tràng” có chép một câu chuyện thế này: Một ngày, khi Khổng Tử đang giảng đạo lý cho các học trò của ông thì cảm thán nói: “Ta chưa từng gặp qua người mạnh mẽ bất khuất…”

Có học trò đáp: “Nếu nói về kiên cường, mạnh mẽ thì hẳn là Thân Tranh”

Khổng Tử nghe vậy liền nói: “Thân Tranh là một người đầy dục vọng, sao có thể xưng là mạnh mẽ được!”

Các học trò của Khổng Tử vốn cho rằng những người giống như Tử Lộ, Thân Tranh… đều là những người mạnh mẽ. Nhất là Thân Tranh, tuy rằng tuổi còn rất trẻ nhưng mỗi lần cùng người khác tranh luận thì đều không dễ dàng nhượng bộ. Cho dù là đối mặt với bậc trưởng bối hay sư huynh, Thân Tranh cũng không hề lui bước, luôn thể hiện ra tư thế mạnh mẽ, cứng rắn của mình. Vì thế, mọi người khi gặp cảnh ấy đều nhượng bộ Thân Tranh vài phần. Cho nên, khi Khổng Tử nói trong đời chưa từng gặp qua người kiên cường, các học trò của ông đều rất ngạc nhiên.

Kỳ thực, Khổng Tử chê Thân Tranh là người đầy dục vọng, không phải là nói đến việc tham lam tiền bạc của cải. Nói đơn giản, phàm là khi không làm rõ phải trái đúng sai liền một mực tranh với người khác, có tư tâm muốn vượt hơn người khác thì tính là ‘dục’. Thân Tranh tuy rằng tính cách chính trực nhưng lại luôn cậy mạnh giành phần thắng, thường thường làm theo cảm tính, đây cũng là một loại ‘dục’.

Điều mà Khổng Tử gọi là mạnh mẽ cũng không phải là cậy mạnh hiếu thắng, khoe sức khoe tài, mà là một loại công phu khắc chế chính mình. Có thể khắc chế được dục vọng của chính mình thì vô luận là ở trong hoàn cảnh nào cũng sẽ không vi phạm thiên lý, hơn nữa còn trước sau như một, không dễ dàng thay đổi. Vậy nên ít dục vọng mới được xem là mạnh mẽ chân chính.

Tử Lộ là đệ tử của Khổng Tử, ông được người đời xem là người nổi tiếng ngay thẳng và dũng cảm. Nhưng theo Khổng Tử, Tử Lộ chỉ là người vũ dũng hiếu chiến mà không thực sự mạnh mẽ.

Con người ta có sự mạnh mẽ về thể lực và mạnh mẽ về tinh thần. Nhưng người thực sự mạnh không phải là ở thể lực mà là ở tinh thần. Tinh thần mạnh mẽ thể hiện ở chỗ hòa vào mà không bị sa vào, trong nhu có cương, thể hiện đạo trung dung, thể hiện ở việc kiên trì tín niệm không lay động của mình, thà chết không thay đổi chí hướng và phẩm đức của mình.

Một người khi không mang theo dục vọng thì phẩm chất sẽ tự trở nên cao đẹp. Khi ít dục vọng, con người sẽ có ý chí mạnh mẽ và trí tuệ được khai thông. Khi không bị danh lợi, tình cảm chi phối, con người sẽ có thể tìm được phương hướng trong cõi mê. Trạng thái này cũng khiến con người luôn lý trí, ở trong mọi cám dỗ mà bảo trì được tâm thái thanh tỉnh, không đánh mất mình.

Hoàng đế Khang Hy từng hỏi Lý Vệ, một vị quan nổi tiếng nhà Thanh, rằng: “Nếu cho khanh làm huyện lệnh, cai quản một huyện nghèo khó thì khanh có thể cai quản được không?”

Lý Vệ đáp: “Thần có thể!”

Hoàng đế Khang Hy hỏi tiếp: “Nếu cấp cho khanh năm mươi vạn lượng bạc, khanh có đảm bảo sẽ dùng hết số bạc ấy cho dân chúng không?”

Lý Vệ đáp: “Thần có thể!”

Hoàng đế Khang Hy lại hỏi: “Khanh dựa vào gì mà nói mình có thể?”

Lý Vệ đáp: “Bởi vì căn bản là thần không muốn làm quan!”

Câu nói của Lý Vệ ngắn gọn nhưng nói rõ, bởi vì ông không có dục vọng, ham muốn làm quan để được hưởng bổng lộc, cho nên ông có thể toàn tâm toàn ý làm việc vì dân. Đây cũng chính là điều mà cổ nhân nói: “Vô dục tắc cương”. “Vô dục” ở đây trên thực tế chính là không có tư tâm. Bởi vì không có tư tâm cho nên Lý Vệ không lấy của cải, tiền bạc coi là mục đích con đường làm quan của mình. Cũng vì không có tư tâm nên Lý Vệ có thể giữ mình cương trực, trả lời Hoàng đế một cách chắc chắn như vậy.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: