Bước vào thế kỉ XXI, chúng ta chứng kiến ngày càng rõ sự thay đổi với gia tốc ngày càng nhanh của xã hội loài người ở cả phương diện thế giới và quốc gia. Sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã tác động trực tiếp tới sự chuyển biến của xã hội, tạo ra những thay đổi mà trước đó khoảng một, hai trăm năm loài người khó có thể hình dung.

Sự chuyển biến nhanh của xã hội nói trên một mặt đem lại cho loài người sự tiện lợi trong cuộc sống, mở rộng năng lực của nhân loại trong thám hiểm không gian, kéo dài sự sống và tạo điều kiện cho con người có cuộc sống xã hội phong phú. Tuy nhiên, một mặt nó cũng đẩy loài người đối mặt với nhiều nguy cơ ở cấp độ toàn cầu như ô nhiễm môi trường, vũ khí hạt nhân, khủng bố… Những nguy cơ này đòi hỏi tư duy toàn cầu và hành động có trách nhiệm ở từng quốc gia.

Ở cấp độ quốc gia-dân tộc, sự biến đổi nhanh của xã hội và sự liên kết mạnh siêu không gian của các cá nhân trong xã hội thông tin đã ngày càng đặt ra nhu cầu tham gia vào quản trị nhà nước, hay nói một cách đơn giản là tham gia vào việc nước của công dân. Trong xã hội hiện đại, nhà nước cho dù tiến bộ đến mức nào cũng khó có thể giải quyết được mọi thứ trong đời sống xã hội, nhất là những vấn đề phát sinh, phát triển ở các địa phương, gia đình và những vấn đề đòi hỏi đến tinh thần tự giác, nỗ lực của chính từng công dân. Vì vậy cả về mặt lý luận và thực tiễn, trong khoảng vài thập niên trở lại đây “tinh thần công dân”, tinh thần cống hiến cho xã hội, tham gia chủ động, tích cực vào các hoạt động xã hội ở mọi cấp độ, quy mô từ góc độ là người công dân để làm cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn thay vì trông chờ, ỷ lại hoặc bàng quan vô cảm trước thời cuộc, trước những biến động và vấn đề của xã hội, đã được quan tâm, coi trọng và trở thành đòi hỏi bức thiết của giáo dục.

Ở Việt Nam, trong Luật giáo dục (2019) tại điều 2 “Mục tiêu giáo dục” có nêu rõ giáo dục phải phát triển được “Ý thức công dân” ở học sinh. Tuy nhiên đáng tiếc là trong “Chương trình phổ thông tổng thể” do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/12/2018, “Ý thức công dân” lại không xuất hiện dưới dạng khái niệm, thuật ngữ. Những thuật ngữ có hàm nghĩa gần hoặc tương đồng như “người công dân”, “phẩm chất công dân”, “năng lực công dân” cũng không có trong chương trình mặc dù trong phần trình bày về mục tiêu của chương trình phổ thông có xác định “giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.”.

Có lẽ vì như vậy, cho nên khi soi chiếu vào nội dung các môn học, nội dung sách giáo khoa của từng cấp lớp, cấp học, phương pháp dạy học cụ thể của giáo viên, ta sẽ thấy không có sự nhấn mạnh vào tinh thần ý thức công dân của học sinh và sự dẵn dắt học sinh hướng tới nó, thực hành nó trong đời sống trường học và xã hội.

Ở phương diện này, cần có những nghiên cứu sâu thêm về lý luận và các thực tiễn giáo dục của nước ngoài.

Nước Nhật, nơi tôi sống 8 năm để học về giáo dục-đặc biệt là giáo dục môn nghiên cứu xã hội, môn học đảm nhận vai trò hạt nhân trong hình thành nên người công dân dân chủ, những người có phẩm chất công dân cần thiết để xây dựng nước Nhật hiện đại và có đóng góp cho thế giới, có thể cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin về lý luận cũng như thực tiễn giáo dục hữu ích.

Về mặt lý luận, sau khi hiến pháp 1946 ra đời với ba trụ cột là hòa bình dân chủ tôn trọng con người, lý luận giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, hướng đến giáo dục nên người công dân hiện đại, đã phát triển rất mạnh. Dựa trên nền tảng lý luận đó, ở trường học các môn học xoay quanh việc kiến tạo người công dân được hình thành như “Đời sống” (lớp 1, 2), Nghiên cứu xã hội (lớp 3-12). Đặc biệt môn nghiên cứu xã hội lên bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ chia nhỏ ra nhiều phân môn như Luân lý, Xã hội hiện đại, Công dân, Kinh tế-chính trị… Tất cả những môn học này đều giúp học sinh có được hiểu biết về xã hội mà các em đang sống, các vấn đề đang đối mặt, từ đó suy nghĩ về nó, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động giải quyết vấn đề.

Nội dung các môn học nói trên được thiết kế không phải thuần túy là sắp xếp các đơn vị kiến thức theo hệ thống và đi kèm với nó là sách giáo khoa được biên soạn lấy việc truyền tải nội dung tri thức, giờ học đồng loạt và lối giảng dạy truyền đạt tri thức như ta thường thấy.

Trái lại, họ sẽ thiết kế nội dung theo chủ đề, lấy xuất phát điểm là những vấn đề mà học sinh đang đối mặt trong cuộc sống hàng ngày và các vấn đề nóng bỏng đang dặt ra cho toàn bộ xã hội hay nhân loại.

Từ các vấn đề đó, chương trình, sách giáo khoa cung cấp và gợi ý học sinh tìm hiểu thông tin để lý giải về vấn đề, nâng cao nhận thức, suy ngẫm về các phương pháp giải quyết.

Phương thức xây dựng nội dung giáo dục này rất phù hợp với triết lý giáo dục nên người công dân hành động-những người có tinh thần công dân sâu sắc.

Trong thực tiễn giờ học cũng tương tự. Những giáo viên giỏi, thay vì dạy từng dòng từng chữ trong sách giáo khoa sẽ nghiên cứu kĩ, khảo sát điền dã ở địa phương, thu thập thông tin qua phỏng vấn người dân, những người có liên quan và số liệu thống kê để xây dựng nên các chủ đề dạy học phù hợp.

Chẳng hạn khi dạy về vấn đề môi trường, thay vì dạy từng dòng, từng chữ trong sách giáo khoa, người giáo viên tiểu học Nhật Bản có thể nghiên cứu các báo báo môi trường, các tờ báo của địa phương, để tổng hợp thông tin, kết hợp với điều tra điền dã thực tế, phỏng vấn người dân trong vùng để xây dựng nên một chủ đề học tập kiểu “nghiên cứu trường hợp” độc đáo. Chẳng hạn như họ cho học sinh điều tra, học tập, nghiên cứu về một con sông bị ô nhiễm ở địa phương dựa trên các thông tin mà giáo viên và học sinh tự tay thu thập, từ đó suy nghĩ về cách thức giải quyết ô nhiễm và tiến hành các hành động có thể làm ngay.

Ở Việt Nam hiện nay, hơn lúc nào hết, tinh thần công dân đang là thứ trở nên cần thiết và là mục tiêu không thể thiếu của giáo dục.

Việc thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa, thực thi giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm là một trong những điều kiện thuận lợi để giáo viên chủ động thiết kế nên các thực tiễn giáo dục sống động của mình, từ đó gây dựng tinh thần, phẩm chất công dân ở học sinh. Đấy cũng là điều mà những ai quan tâm đến giáo dục thiết tha mong mỏi.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)

Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: Tuổi trẻ và sự lựa chọn nghề nghiệp