Có thời gian tôi tiếp xúc với những cô gái mà trước đó họ làm cái công việc cả thiên hạ đều bỉ bôi. Mỗi người mỗi cảnh nhưng có một điểm chung là sự bất cần. Cuộc đời họ đau theo nhiều kiểu khác nhau, đành rồi, nhưng nguyên nhân của sự bất cần chỉ có một: thiếu vắng tình yêu. Cái tình yêu thương tôi nói ở đây là tình yêu con người với con người, tình đồng loại. Nhưng họ lại được nhận một cách thừa mứa những khinh rẻ, bỉ bôi, cay nghiệt.

Tôi từng trải qua tuổi thơ nghèo đói, rất nhiều người đã từng sống một thời không đủ ăn trong một đất nước khốn khó. Khi thoát ra, vươn lên được bằng sức lao động hoặc bằng tri thức thì khi nghĩ về quá khứ có những người vì thương quá khứ của mình nên thương người và có sự thấu hiểu sẻ chia đồng cảm mà không hề phán xét. Cũng có những người chạy trốn quá khứ nghèo khó, chối bỏ thành phần xuất thân khi nhìn người khốn khó bằng sự khinh miệt, sự sẻ chia nếu có chỉ là để khoe mẽ với thái độ trịch thượng, họ không tiếc lời chê bai, bỉ bôi người thấp kém hơn về địa vị, tiền của.

Có người đem sách về với mong muốn khai sáng nông thôn nhưng trong các bài viết thì luôn khinh miệt người nông thôn mắt đỏ chân chim. Có người đem tiền bạc vật chất đi làm từ thiện khi lũ lụt, thiên tai nhân hoạ lại luôn mồm chê người dân quê lười nhác trông chờ những đồng tiền họ bố thí. Lại có những người bắt bọn trẻ sống và học xa nhà khi bưng chén cơm từ thiện phải chan nước mắt bằng những lời cay nghiệt của họ nhân danh sự phấn đấu.

Có lần, tôi nghe cô bé nhân viên gọi điện nói chuyện với bà mẹ quê, sau đó tôi gọi em vào phòng riêng, “Em à, nãy nói chuyện với mẹ sao em nạt mẹ dữ vậy?” “Dạ, tại mẹ em cứ đưa tiền cho bố đi nhậu hoài, mà tiền em gởi về là để đóng tiền học cho thằng út. Bố em chả làm gì, cứ vòi tiền mẹ thôi.” “Ừ, mẹ không đưa thì bố làm sao?” “Bố em chửi um lên, có khi ông ấy còn đánh mẹ.” “Ừa, em có nghĩ là mẹ em yếu rồi, bà không chịu được đòn roi của bố nữa nên bà buộc phải đưa tiền của em gởi về cho bố để tránh đòn không? Không phải bà không biết con gái đi làm xa vất vả đâu, không phải bà không biết dùng tiền đúng mục đích đâu em.” “Dạ vâng. Em hiểu rồi.” “Ừ, mốt nói chuyện với mẹ em nhẹ nhàng ngọt ngào với mẹ một chút, như em nói chuyện với khách hàng của tiệm mình vậy. Người đàn ông tinh tế họ không quan trọng việc em ăn nói với họ như thế nào mà sẽ để ý cách em nói chuyện với mẹ, với người thân trong gia đình, từ đó họ mới quyết định có tôn trọng và yêu mến mình thật lòng hay không.” “Dạ, em xin lỗi chị.” “Ồ, em đâu có lỗi với chị, em xin lỗi mẹ hôm nào gọi về.” Và từ đó cho đến vài năm sau, tôi không bao giờ nghe cô bé lớn tiếng cao giọng khi gọi về nhà nữa.

Nhà mẹ tôi tuềnh toàng lắm, bà không muốn đập bỏ ngôi nhà dược dựng lên từ mồ hôi nước mắt sau thời gian dài đói kém. Bao nhiêu lần sửa chữa tốn kém nhiều hơn xây mới mà nhìn vẫn xập xệ vì bà không muốn đập bỏ đi kỷ niệm. Tôi chiều mẹ và chưa bao giờ cằn nhằn bà về việc đó, cũng như chưa bao giờ ngần ngại khi đưa bạn về chơi thăm mẹ. Qua đó, quan sát thái độ bạn bè, quan sát cử chỉ, tôi biết họ là thành phần nào và có đáng làm bạn hay không.

Mỗi khi nghe, đọc, nhìn thấy thái độ lạnh lùng, bỉ bôi, khinh khi người yếm thế dù nhân danh bất cứ điều gì thì tôi đều chờn chợn. Tôi sợ tâm thức đó.

Người nghèo, người yếm thế ở xã hội này quá nhiều do nhiều nguyên nhân. Và dù nguyên nhân nào thì họ có một điểm chung: kém may mắn hơn những người còn lại. Thượng đế có công bằng không khi để cho họ kém may mắn hơn và cho chúng ta vượt qua được còn họ thì không? Tôi nghĩ, Thượng đế có sự sắp đặt của ngài. Chúng ta may mắn hơn, thoát khỏi sự đói nghèo, chúng ta may mắn hơn khi có tri thức, có nhận thức là bởi Thượng đế đã trao cho ta trách nhiệm yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ người yếu thế cho bằng chúng ta. Giúp bằng cách vĩ mô thì cải tạo xã hội, tạo ra môi trường phát triển lành mạnh đồng đều cho tất cả. Chưa giúp được bằng cách vĩ mô thì vi mô bằng cách san sẻ. Và, bằng cách nào thì cũng đều phải xuất phát từ yêu thương và đồng cảm, thấu hiểu, trách nhiệm chứ không thể từ việc ban phát bố thí rồi bỉ bôi, khinh miệt.

Nhiều lúc, tôi nghĩ, người nghèo, người yếm thế trong xã hội này khổ thiệt. Họ đã chịu đói chịu nghèo chịu đủ thứ thiên tai nhân hoạ, cả đời chưa chắc biết được miếng ngon hay niềm vui thành thị, ấy vậy mà có đủ đâu, họ còn phải chịu thêm sự khinh miệt của những kẻ tự cho là mình có học, có tiền. Khi và chỉ khi những người yếm thế chết đi vì thảm hoạ, lũ lụt thiên tai hay nhân tai thì họ mới được xót xa, thương cảm. Đắng không?!

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Xem thêm:

Mời xem video: