Thuộc dòng dõi làm nghề thuốc nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long, Phạm Công Bân được vua Trần Anh Tông tin tưởng mời giữ chức Thái y lệnh, chuyên chăm sóc sức khỏe cho vua và hoàng tộc. Dù ở địa vị cao nhất của một người thầy thuốc, nhưng ông không hề tự mãn, mà lại rất quan tâm đến người dân thường. Dân gian truyền tụng nhiều câu chuyện về y đức của Phạm Công Bân.

Phạm Công Bân thường tự bỏ tiền ra để mua thuốc tốt cũng như thóc gạo, dự trữ sẵn để nuôi và giúp đỡ những người dân nghèo khổ. Với những người không có tiền chạy chữa nhưng mang bệnh tật, ông lo cho họ cơm cháo, đồng thời còn chữa bệnh mà không lấy tiền của họ. Cũng vì thế mà số người bệnh nương nhờ nhà ông ngày một đông hơn.

Y đức Phạm Công Bân: Chữa bệnh cho thường dân trước Nguyên phi
(Ảnh: Dragon Images, Shutterstock)

Có một năm nọ bị mất mùa, dân tình đói khổ, bệnh dịch phát sinh, người nghèo đến nương nhờ nhà của Phạm Công Bân rất đông. Vậy nên ông vừa phải trị bệnh cứu người, vừa phải xây thêm nhà cho họ ở. Ông tận tâm chữa bệnh không e ngại ngay cả với những bệnh nhân mắc bệnh dễ lây lan hay có mùi hôi thối. Vì thế mà tên tuổi và y đức của Phạm Công Bân được người đời truyền tụng.

Trong tác phẩm “Nam Ông mộng lục”, một cuốn hồi ký về những câu chuyện có thực của nước Nam do Hồ Nguyên Trừng biên soạn, có kể câu chuyện về Phạm Công Bân (ông ngoại của Hồ Nguyên Trừng) như sau:

Có người đến nhờ Phạm Công Bân xem bệnh giúp cô vợ mới sinh bị băng huyết, mất rất nhiều máu đang nằm bất động trên giường. Nghe mô tả ông liền vội vã đi ngay, nhưng vừa ra đến cổng thì sứ giả đến truyền lệnh của nhà vua: Nguyên phi bị cảm sốt, lúc nóng, lúc lạnh suốt một ngày qua mà không bớt, truyền cho ông phải đến xem ngay bệnh cho Nguyên phi.

Phạm Công Bân liền trả lời sứ giả rằng, bệnh của Nguyên phi không nặng lắm, nay đang có người dân bị nặng hơn rất nhiều, ảnh hưởng tới tính mạng, nên cần phải cứu trước, xong việc sẽ vào cung chữa cho Nguyên phi sau.

Sứ giả nghe thế tức giận mà nói rằng: “Cái lẽ mà kẻ bề tôi phải giữ cho tròn, sao lại có thể như vậy được. Ông muốn cứu tính mạng cho người khác mà không giữ tính mạng của mình chăng?”

Phạm Công Bân đáp rằng: “Đã đành làm như vậy là ta mắc tội rồi, nhưng không hề gì. Người bệnh kia mà không cứu ngay thì chỉ chốc lát sẽ chết, còn tính mạng của kẻ bề tôi nhỏ mọn này thì còn trông mong được nhà vua tha chết, các tội khác ta xin gánh chịu hết. Xin ông cứ về tâu với đức vua và quý phi như vậy. Tất tật tội vạ do vua giáng xuống ta chịu hết, ông cứ an tâm trở lại cung”.

Nói xong ông bước bước đi ngày đến nhà của bệnh nhân. Thật may, nhờ ông đến kịp lúc mà sản phụ bị băng huyết nặng được cứu sống.

Khi Phạm Công Bân tới cung điện để chữa cho Nguyên phi, vua Trần Anh Tông liền lên tiếng quở trách. Ông bỏ mũ mà tạ tội: “Cúi xin bệ hạ lượng thứ cho thần! Là người thầy thuốc bao giờ cũng phải căn cứ vào bệnh cấp hay bệnh tử mà chữa trước hay chữa sau, có thế mới cứu được mạng người, chứ không thể nào căn cứ ở kẻ sang người hèn được!”.

Vốn kế thừa truyền thống mộ Đạo từ đời vua Trần Thái Tông, vua Trần Anh Tông từng bỏ nhiều công sức nhằm phát triển Phật giáo, dùng Phật Pháp để giáo hóa dân chúng, giúp nâng cao tiêu chuẩn đạo đức trong dân chúng, xã hội ổn định. Vì thế vua hiểu ngay đạo lý mà Phạm Công Bân nói. Một vị thầy thuốc phải có tấm lòng thiện lương, suy nghĩ đến người khác trước khi suy nghĩ đến bản thân mình. Suy cho cùng đó cũng chính là “Thiện” mà nhà Phật tuyên dương.

Vậy nên nhà vua hết lời khen ngợi Phạm Công Bân là thầy thuốc chân chính, đặt y đức trên quyền thế: “Nhà ngươi thật là một lương y, đã có nghề giỏi lại có lòng nhân, thật xứng đáng là bề tôi của trẫm!”

Sau này, con cháu của Phạm Công Bân được ông trực tiếp bảo ban, kế thừa tài năng cũng như đức độ của ông, nên đều trở thành những thầy thuốc đức rộng, tài cao, được người đời hết lời khen ngợi.

“Nam Ông mộng lục” là tập hồi ký chữ Hán đầu tiên và là tác phẩm đầu tiên mở đường cho khuynh hướng viết về những sự việc có thực của nước ta. Cuốn hồi ký này được Hồ Nguyên Trừng biên soạn trong hoàn cảnh nước mất, ông bị lưu vong ở xứ người. Mặc dù được nhà Minh trọng dụng vì chế tạo được súng thần công, thăng đến chức Tả thị lang, nhưng Hồ Nguyên Trừng vẫn tưởng vọng về cố quốc, nên tự gọi là Nam Ông (Ông già nước Nam). Bằng hồi ức của mình, Hồ Nguyên Trừng đã viết lại các mẩu chuyện về những con người tài đức ở nước Nam mà mình không còn được nhìn thấy nữa, và ông coi đó như là một giấc mộng, nên đặt tên sách là “Nam Ông mộng lục”.

Trong phần đề tựa, Hồ Nguyên Trừng viết:

Sách Luận ngữ từng nói: “Trong cái xóm mười nhà, thế nào cũng có người trung tín như Khâu (tên của Khổng Tử) này vậy”, huống hồ nhân vật cõi Nam Giao từ xưa đã đông đúc, lẽ nào vì nơi hẻo lánh mà vội cho là không có nhân tài! Trong lời nói, việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở cháy sạch, thành ra những điều đó đều bị mất mát cả, không còn được ai nghe, há chẳng đáng tiếc lắm sao?

Trần Hưng  

Xem thêm:

Mời xem video: